Thủ tướng Pháp Georges Bidault chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hòa Pháp ngày 2/7/1946. (Ảnh tư liệu)
Nhiều sử sách đã viết về chuyến thăm này, nhưng gần đây gia đình cụ Đỗ Đình Thiện, người đã hiến nhiều cho Tuần lễ Vàng sau độc lập và là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mới cho ra mắt Nhật ký làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bốn tháng ở Pháp cho thấy bức tranh công việc hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt thời gian ở Pháp. Đọc lại hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên thấy chúng ta nên học Người bằng hành động cụ thể chứ không phải chỉ nói học Người.
Có hai mẩu chuyện hay lưu truyền về chuyến thăm lịch sử này của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng trước chuyến thăm, Hội nghị Đà Lạt (tháng 5/1946) đổ vỡ, tình hình quan hệ Việt - Pháp khá căng, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi lên đường đã dặn Phó Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Lời căn dặn này đã trở thành kim chỉ nam cho ngoại giao Việt Nam từ đó đến nay.
Kết thúc chuyến thăm khi Hội nghị Fontainebleau thất bại, nửa đêm ngày 14/9 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải đích thân đến tư gia Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moutet ký tạm ước để tránh một cuộc chiến tranh.
Khi trở về Việt Nam Chủ tịch đã khẳng định với quốc dân đồng bào “Hồ Chủ tịch không phản quốc”, việc ký tạm ước nhường cho Pháp một số quyền lợi kinh tế nhưng giành cho Việt Nam những quyền lợi chính trị, nhất là ở miền Nam Việt Nam, nơi Pháp có lực lượng quân sự hùng hậu, là một giải pháp “kéo dài thời” chuẩn bị cho cuộc kháng chiến sau này.
Về những khía cạnh chính trị lịch sử của chuyến thăm này đã có nhiều bài viết, cuốn Nhật ký của Cụ Đỗ Đình Thiện chỉ làm sáng tỏ thêm bức tranh về chuyến thăm Pháp lịch sử này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chuyến thăm nhà nước
Mặc dù Pháp trì hoãn việc đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris vì trong lúc Chủ tịch trên đường đến Pháp (dừng ở Ấn Độ, Miến Điện, Pakistan, Iraq, Ai Cập), Pháp đã có bầu cử và phải chờ để chính phủ mới được thành lập. Cuối cùng ngày 22/6, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Paris sau khi dừng chân 11 ngày ở Biarritz.
Ông Đỗ Đình Thiện kể: “Máy bay trước khi đặt cánh xuống trường bay Bourget còn bay vòng chung quanh sân bay, ở cửa tròn máy bay trông xuống, đã thấy rõ ràng một cây cờ lớn nền đỏ sao vàng bay phấp phới trước gió và trên những cây cờ tam sắc… Đúng 4h10 phút, may bay dừng bánh… Chủ tịch vừa ở trên máy bay bước xuống đất thì đã nghe thấy cử nhạc, nhưng chưa phải là quốc ca. Các nhân viên chính phủ Pháp, đại biểu của Bộ Ngoại giao, Thượng thư Pháp quốc hải ngoại và quân thủy lục không quân (thủ sư đô đốc, nguyên soái…) các nhà văn hào, các nhà chính giới các ông nghị Pháp và Việt, các đại biểu phụ nữ Pháp và Việt. Số người đến trước máy bay đón Hồ Chủ tịch thật là đông.
Cuộc giới thiệu, những cái bắt tay thân thiết, những nụ cười… quốc ca Việt Pháp chào mừng, duyệt binh danh dự. Lính vệ binh cộng hòa đứng nghiêm chỉnh, dãy dài, gươm tuốt trần sáng láng, mũ đồng đỏ ối, cờ bay phấp phới, nhạc thổi vang lừng, cuộc đón rước xứng đáng đối với một vị quốc trưởng, thượng khách của chính phủ Pháp…”
Không hiểu có phải phía Pháp chờ cho đến gần Quốc khánh Pháp mới tổ chức lễ đón chính thức không, nhưng 10 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris, Pháp dành 3 ngày lễ cho chuyến thăm chính thức 2-4/7 trùng vào với Quốc khánh Pháp. Về các hoạt động chính thức này, ông Đỗ Đình Thiện kể:
“… ngày 2/7/1946, 10h50 phút, ông Thượng thư Pháp quốc Hải ngoại M. Moutet đến đón Hồ Chủ tịch đi thăm Tổng thống Bidault. Lễ nghi cử hành từ khách sạn Royal Moncean cho đến dinh Tổng thống Pháp rất long trọng. Từ trong khách sạn ra đến xe hơi ngoài đường, có lính vệ binh cộng hòa bồng gươm trần đứng hai bên làm hàng rào chào. Khởi hành, xe hơi Chủ tịch, buông mui đi giữa, kèm 2 bên và trước sau là 14 xe phành phạch tự vệ. Đi dẹp đường đầu tiên có xe cảnh sát trưởng kinh đô Paris… Hai bên hè đường có nhiều quãng dân chúng đứng xem rất đông. Khi đến dinh Tổng thống Pháp lễ nghi lại càng trọng thể hơn nữa, cũng lính garde républicain tuốt gươm trần đứng đón chào 2 bên. Khi Hồ Chủ tịch vào cửa dinh, phường nhạc trong sân nổi quốc ca Việt và Pháp chào. Hồ Chủ tịch dừng lại chào quốc ca và duyệt binh xong, tiến lên lầu, có vị Thượng thư Moutet đi kèm hướng dẫn vào phòng khách gặp Tổng thống Pháp. Đến đầu cầu thang đã có Tổng thống Pháp ra đón… 13h30 phút ông Saiteny đến đón Hồ Chủ tịch ở khách sạn để đi dự tiệc Tổng thống Pháp thết. Lễ nghi lúc đi về và ở dọc đường đều như lúc buổi sáng và cho đến hết 2 ngày sau (ngày 3-4/7) cũng vậy. Trước khi vào tiệc 2 vị quốc trưởng có gặp riêng ít phút. Trong khi ấy các quan khách đến dự tiệc đều tựu lại ở phòng khách lớn chờ 2 vị Tổng thống. 10 phút sau, 2 vị quốc trưởng tiến vào phòng và bắt đầu cuộc giới thiệu Hồ Chủ tịch với các quan khách, phần đông là các vị thượng thư, các nghị viên cùng nhân viên chính phủ Pháp…
Vào tiệc, Hồ Chủ tịch ngồi giữa, nguyên Tổng thống Bidault bên trái và cựu Tổng thống Gouin bên phải. Người hầu đưa đồ ăn đều bận lễ phục áo đuôi tôm. Rất nhiều người hầu, yên lặng và trật tự. Cảnh một chốn nghiêm trang quyền quý. Trước khi uống champagne, tổng thống Bidault đứng lên đọc chúc từ. Mọi người đều lẳng lặng lắng tai nghe. Đại khái sau khi chào mừng vị Chủ tịch Việt Nam, Ngài chúc cho sự hợp tác của 2 dân tộc được tốt đẹp và bền chặt, dù gặp nối khó khăn đi mấy thời cũng cố gắng vượt qua. Tổng thống nâng cốc mời cử tọa và Hồ Chủ tịch đọc đáp từ. Ngài cảm ơn chính phủ và tổng thống nước Pháp đã đón tiếp Ngài một cách niềm nở và đầy tình cảm. Ngài ước mong cho 2 dân tố sẽ cùng nhau cộng tác một cách thân ái và công bằng, bình đẳng. Tiệc tan, Tổng thống Pháp tiễn Hồ Chủ tịch ra về. Đến cửa 2 vị quốc trưởng dừng lại chụp ảnh kỷ niệm…”
Chuyến thăm gây thiện cảm
Hồ Chủ tịch hiểu rất rõ đây là chuyến thăm đầu tiên của đại diện cao nhất nước Việt Nam độc lập và cần phải gây thiện cảm đối với người dân Pháp thông qua báo chí. Bây giờ chúng ta vẫn hay gọi là “PR”, nhưng ngay từ những ngày đầu lập quốc Hồ Chủ tịch đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh.
Cụ Đỗ Đình Thiện kể ngày 25/6 Hồ Chủ tịch có cuộc gặp đầu tiên với các báo Pháp kể từ khi đến, “Hồ Chủ tịch chỉ nói chuyện từ khi cụ tới đất Pháp ở Biarritz đi thăm miền Basques cho tới khi tới Paris, được chính phủ đón tiếp long trọng, dân chúng Pháp cùng các báo có cảm tình. Cụ rất lấy làm cảm ơn thịnh tình ấy. Chủ tịch nói không ra tuyên bố gì cả vì còn đợi chính phủ Pháp tiếp cụ chính thức đã.
Khi chuyện trò, tiệc trà xong Hồ Chủ tịch làm mọi ngạc nhiên khi cụ lượm những bông hồng trên bàn tiến đến tặng riêng từng nữ phóng viên các báo, mỗi bà và cô có một bông, còn sót một bông Chủ tịch đưa tặng một nam phóng vên nhiều tuổi hơn hết.
Cử chỉ tặng hoa của Chủ tịch đã gây nhiều bình luận trên các báo ngày hôm sau. ‘Những điều lý thú về người phương Đông’, ‘Tiêu biểu cho tình thân Việt Pháp’. Có báo còn ca tụng hơn nữa ‘Đã có vị quốc trưởng nào trong những nước trưởng giả của chúng ta có được cái cử chỉ giản dị ấy, mà tránh cho khỏi tức cười?’”
Ngày 12/7, Hồ Chủ tịch có cuộc gặp thứ hai với báo chí. Sau khi đọc tờ thông cáo báo chí về quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về quan hệ giữa hai nước Việt Pháp, ý nghĩa của Liên bang Đông Dương, vấn đề Nam Bộ và tư hữu của người Pháp ở Việt Nam, Chủ tịch mời các phóng viên tự do phỏng vấn. Các nhà báo dồn dập đưa những câu hỏi xưa nay họ vẫn thắc mắc hoặc muốn thử thách xem một vị tổng thống nước dân chủ cộng hòa trả lời những vấn đề họ cho là chông gai thế nào.
Có nhà báo hỏi nếu xứ Nam bộ tự ý muốn tách khỏi nước Việt Nam thì Ngài tính sao. Chủ tịch trả lời “Sao có chuyện như thế được. Chúng tôi cùng nói một thứ tiếng, cùng một tổ tiên, phong tục cùng một, tức nhiên chúng tôi là anh em ruột thịt”. Nhà báo vặn lại người Anh và người Mỹ họ cũng cùng thứ tiếng mà họ có nhập làm một nước đâu. Chủ tịch nhẹ nhàng đáp “Nhưng một đại trùng dương cách biệt họ”.
Sau đó một số phóng viên chuyển sang hỏi về cuộc đời làm cách mạng của Chủ tịch, không khí từ chỗ nghiêm trang sang cởi mở nhẹ nhàng. Câu hỏi cuối cùng của buổi họp báo cũng là một câu hỏi hóc búa rằng liệu người Việt có thể quên được những việc người Pháp trước kia đã lạm dụng trong quan hệ với Việt Nam. Câu trả lời của Chủ tịch giải tỏa gánh nặng cho tất cả mọi người “Chúng tôi tranh đấu chống lại với một chế độ, chớ không chống với một dân tộc. Hồi Nhật chiếm đóng, bao phen chúng tôi đề nghị với người Pháp cộng tác với chúng tôi để chống với phát xít Nhật nhưng đều vô hiệu”.
Trong Nhật ký của mình, Cụ Đỗ Đình Thiện đánh giá kết quả của buổi họp báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Những báo ủng hộ phong trào giải phóng các thuộc địa lấy làm toại nguyện, còn các báo phản động hùa theo bọn thực dân lấy làm hậm hực. Thậm chí trên mặt một tờ báo phản động sáng hôm sau đã thấy dòng chữ ‘trước những câu trả lời như thế, các nhà báo xét rằng căn vặn cũng không hơn gì’, ‘Hồ Chí Minh làm cố vấn cho phái bộ Việt Nam tại Fontainebleau, chúng ta có sầy vẩy cũng đừng lấy gì làm lạ’”.
Nhân dân Thủ đô Paris chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nước Pháp tháng 7/1946. (Ảnh tư liệu)
Chúng ta luôn nói học tập và làm việc theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói thì đơn giản nhưng làm không hề đơn giản. Trong một chuyến thăm của lãnh đạo đến một nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại nước bạn đồng ý với đề nghị của bạn là sẽ có trả lời báo chí sau khi 2 bên ký các văn bản hợp tác.
Đoàn tiền trạm sang yêu cầu Đại sứ quán làm công hàm từ chối hoạt động này với lý do “hoạt động này không có trong đề án chuyến thăm”. Nếu gửi công hàm từ chối tổ chức họp báo là biến tiểu sự thành đại sự. Việc từ chối như vậy là việc rất bất bình thường, gây khó hiểu cho bạn và không có cách gì giải thích được cho bạn. Đại sứ quán và đoàn tiền trạm không thống nhất được với nhau mặc dù Đại sứ đặt vấn đề chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định này.
Câu chuyện chỉ giải quyết khi lãnh đạo Bộ Ngoại giao đi theo đoàn đến và quyết vẫn có trả lời báo chí sau lễ ký kết. Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ.
Ngay trong hoàn cảnh khó khăn chúng ta còn phải cố gắng xây dựng hình ảnh. Trong hoàn cảnh bình thường việc xây dựng hình ảnh lại càng là câu chuyện đương nhiên. Không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nếu Đại sứ quán Việt Nam làm công hàm từ chối họp báo sau khi ký văn bản hợp tác. Không có họp báo cũng sẽ đỡ vất vả cho Đại sứ quán nhưng hình ảnh Việt Nam sẽ khác, sẽ chẳng giống ai. Câu chuyện đơn giản nhưng không phải ít ý nghĩa. Học tập phong cách Hồ Chí Minh là lấy lợi ích của đất nước làm kim chỉ nam cho hoạt động, chứ đừng lấy bất cứ cái gì khác. Lấy cảm tính lại càng sai.
Nguồn: TG&VN