Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Ngày 26/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; công tác phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng Công an với Quân đội, các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng đã đạt được kết quả tích cực. Các lực lượng đã chủ động phối hợp nắm chắc, phân tích, đánh giá đúng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, bổ sung phương án tác chiến, phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giải quyết, xử lý từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Thế trận an ninh nhân dân chưa được xây dựng toàn diện trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực, chưa phát huy được hiệu quả một cách đồng bộ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, do đó ảnh hưởng đến việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc và huy động các lực lượng tham gia phòng ngừa, xử lý các vụ việc phát sinh, đột xuất về an ninh, trật tự trên địa bàn.
Thời gian tới dự báo những yếu tố gây mất ổn định vẫn diễn ra phức tạp và còn có thể gay gắt hơn. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhằm từng bước phi chính trị hóa lực lượng vũ trang. Các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới (Nghị quyết số 12-NQ/TW); Nghị quyết số 86-NQ/TU, ngày 15/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới (Nghị quyết số 86-NQ/TU); Đề án số 03/ĐA-BCA, ngày 27/01/2023 của Bộ Công an về xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, trọng tâm là: Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Kết luận số 15-KL/TW, ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; các văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Xác định rõ quan điểm Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, chính quyền các cấp điều hành và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng toàn dân tham gia xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Hai là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh ở các cấp sát thực tiễn, chú trọng giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Đổi mới hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực làm chủ của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Hằng năm cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức chỉ đạo làm tốt công tác phát động phong trào thi đua “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” để nâng cao khí thế, huy động toàn dân tự giác, tích cực tham gia. Kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Ba là, Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ cơ sở, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bốn là, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn với việc thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân, ưu tiên đầu tư xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh quốc Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Năm là, Các tổ chức Đảng trong lực lượng Công an tỉnh làm nòng cốt tham mưu cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm túc Đề án số 03/ĐA-BCA, ngày 27/01/2023 của Bộ Công an về xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; Chương trình hành động số 25-CT/TU, ngày 03/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 86-NQ/TU, ngày 15/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động nắm chắc, dự báo đúng tình hình và tham mưu, tổ chức phòng ngừa, phát hiện từ sớm, từ xa các yếu tố, nguy cơ, vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác. Nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp nhận, xử lý giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, đẩy mạnh công tác hỗ trợ tư pháp thi hành án hình sự, quản lý hành chính về trật tự xã hội; phối hợp, hỗ trợ hướng dẫn các ngành đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động hành chính công, tạo thuận lợi cho Nhân dân.
Sáu là, Lực lượng Công an, Quân đội chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn Nhân dân đề cao cảnh giác với âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời tham gia các phương án phòng thủ, phòng, chống khủng bố, gây rối, bạo loạn, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng thế trận an ninh nhân dân liên hoàn với phương châm “bốn tại chỗ”; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về an ninh, trật tự, xây dựng mô hình điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao hiệu quả tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và “Ngày hội quốc phòng toàn dân”.
Bảy là, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền công tác xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và quá trình tổ chức thực hiện.
Tám là, Đảng ủy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện Chỉ thị.
Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.