Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra 11 đợt mưa dông, kết hợp ảnh hưởng xả lũ của các hồ thủy điện đã làm 3 người bị thương; 1.098 nhà, 60 điểm trường học, 24 công trình các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng; thiệt hại trên 1.380ha lúa và hoa màu; chết 2.100 con gia cầm và khoảng 11 tấn cá lồng; sạt lở 1.900m bờ, vở sông; trên 50 điểm sạt lở đường giao thông và nhiều thiệt hại khác. Ước tính thiệt hại khoảng 81 tỷ đồng.
Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8/2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.
Trước tình hình đó, để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung, công việc chuẩn bị nhằm chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo yêu cầu của UBND tỉnh. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn tỉnh; kịp thời thông tin, cảnh báo thiên tai đến các địa phương và người dân để chủ động phòng tránh; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai đến cộng đồng để chủ động phòng tránh.
Chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đê, kè đang thi công dở dang; rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng tình huống và loại hình thiên tai có thể xảy ra, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Chỉ đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai và tổng hợp, báo cáo theo quy định; đề xuất, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với các tình huống phát sinh.
2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo rà soát phương án cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai; sẵn sàng phối hợp, hiệp đồng, hỗ trợ, chi viện cho các huyện, thành, thị ngay khi có yêu cầu. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để huy động khi cần thiết; đồng thời, từng bước đầu tư, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn nhằm đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống.
3. Công an tỉnh có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau thiên tai; tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân, khắc phục hậu quả thiên tai. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai.
4. Sở Giao thông vận tải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, nhà thầu duy tu đường bộ thường xuyên kiểm tra, phát hiện các khu vực bị sạt lở, chia cắt, kịp thời cảnh báo, phân luồng để phòng tránh. Sẵn sàng huy động phương tiện, vật tư, nhân lực khắc phục kịp thời các sự cố thiên tai; đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông.
5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư: Căn cứ tình tình thực tế, chủ động nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND tỉnh cân đối, bố trí ngân sách tỉnh để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ và các cơ quan liên quan: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai đến cộng đồng; truyền tải kịp thời, đầy đủ, chính xác các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, nội dung chỉ đạo của cơ quan chức năng để người dân biết và chủ động phòng ngừa, ứng phó. Củng cố mạng lưới thông tin liên lạc từ tỉnh đến cơ sở, sẵn sàng các phương án đảm bảo thông tin 2 chiều thông suốt, kịp thời trong mọi tình huống.
7. UBND các huyện, thành, thị khẩn trương rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế; nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Tổ chức rà soát, xác định các khu vực xung yếu, các công trình bị sự cố, xuống cấp, các sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Văn bản của UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại tài sản nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân. Tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác; không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau bão, mưa lũ, ngập lụt; không để ảnh hưởng lớn đến việc học tập của học sinh.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; kịp thời truyền thông, thông tin, cảnh báo thiên tai để người dân chủ động phòng tránh (nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào tộc thiểu số); thực hiện đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo tình hình thiên tai theo quy định.
8. Các sở, ban, ngành khác và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, diễn biến thời tiết, chủ động triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.
Nguồn: Cổng Giao tiếp PT