Chủ động phòng vệ thương mại: Giảm rủi ro, tăng lợi thế
Thời điểm này xuất khẩu đang băng băng về đích và điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa có thể sẽ đối diện với điều tra phòng vệ thương mại.
|
Bốc dỡ hàng xuất nhập khẩu trên cảng quốc tế Gemalink. (Ảnh: TTXVN)
|
Hơn nữa, thị trường tiếp tục được mở rộng nhờ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) bước vào giai đoạn mới cũng là nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại gia tăng. Do đó, bên cạnh những thông tin cảnh báo sớm, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm giảm rủi ro và tăng lợi thế cho hàng hoá xuất khẩu.
Chưa đầy nửa năm chính thức điều tra chống bán phá giá với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, mới đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc với mức thuế chống trợ cấp tạm thời cho hai doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là 0,81% và 2,85%. Với các công ty không tham gia bảng trả lời câu hỏi, không hợp tác sẽ bị áp thuế lên tới 292,61%.
Không chỉ với thị trường Hoa Kỳ (là nước đưa ra nhiều vụ điều tra nhất), gần đây nhiều thị trường khác cũng đã ban hành kết luận điều tra chống lẩn tránh thuế hay khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với hàng hoá được nhập khẩu từ Việt Nam. Đơn cử như mới đây DOC tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với sản phẩm đúc bằng sợi nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc; khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép dẫn dầu (OCTG) từ Việt Nam. Hay Malaysia khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép dây (steel wire rods) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam; Australia khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thanh cốt thép cán nóng…
Bà Trương Thuỳ Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Ngoài lợi thế đặc thù của quốc gia đang phát triển như giá nhân công rẻ, giá thành sản xuất thấp, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đang trở thành mối đe dọa lớn cho ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu. Chính vì vậy, các quốc gia này đã tích cực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2001 – 2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 50 vụ việc. Thế nhưng, từ đó đến nay số lượng vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, thị trường điều tra ngày càng mở rộng. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống lớn, số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng và một số quốc gia và vùng lãnh thổ chưa từng điều tra hoặc ít điều tra như Mexico, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu điều tra Việt Nam.
Báo cáo 9 tháng của Bộ Công Thương chỉ rõ, tính đến hết tháng 8/2024 đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, chống bán phá giá là 141 vụ việc; tự vệ là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.
Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định: Sau các va vấp ban đầu, nhiều vụ việc đã kháng kiện thành công cho thấy, năng lực ứng phó phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, nhất là những ngành hàng xuất khẩu bị thị trường nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất và sớm như ngành thép, ngành gỗ, ngành thuỷ sản.
Dù vậy, con số này vẫn dừng lại ở mức khiêm tốn bởi yếu về vốn, về quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo dõi, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa mạnh dạn đầu tư nhiều vào máy móc để nâng cao năng suất. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động nỗ lực áp dụng các chứng chỉ như OHSAS (xây dựng về hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp), chứng nhận FSC (bảo vệ rừng), SMETA (trách nhiệm xã hội)… nhằm tuân thủ quy định của thị trường.
Vì vậy, theo ông Lê Anh Văn, tới đây doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin về vụ điều tra phòng vệ thương mại thông qua cơ quan thương mại của Việt Nam tại các nước là đối tác xuất khẩu. Cùng đó, doanh nghiệp tăng cường đổi mới, đa dạng hóa, tiến bộ hóa chất lượng mẫu mã ngành hàng xuất khẩu; chuẩn bị nguồn nhân lực của doanh nghiệp có hiểu biết liên quan tới phòng vệ thương mại và hệ thống quản trị liên quan như theo dõi nguyên liệu đầu vào, chi phí thực tế… để chủ động ứng phó tình huống có thể xảy ra trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến nghị: Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra khuyến nghị kịp thời về vụ việc phát sinh, về kỹ thuật, lập luận, tư vấn triển khai các vụ việc. Cùng đó, hỗ trợ trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra liên quan đến chương trình chính sách của phía Chính phủ Việt Nam; giới thiệu và tiếp tục kết nối các chương trình giao thương thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thép. Mặt khác, hỗ trợ tham vấn hoặc tham gia cùng các doanh nghiệp trong các phiên tham vấn công khai tại nước khởi kiện trong trường hợp mà đại diện ngành hàng, nhà sản xuất, xuất khẩu không thể bố trí tham gia.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay: Trong những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất và thương mại nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức. Trong số đó, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may.
Ngoài ra, xuất khẩu dệt may sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các đơn hàng xuất khẩu được dịch chuyển từ Bangladesh. Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Do vậy, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với cam kết quốc tế. Đồng thời, tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó hiệu quả vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Nguồn: baotintuc.vn