Chuyến công tác của Thủ tướng lan tỏa hình ảnh một Việt Nam chân thành, mạnh mẽ
Trong chuyến công tác đến Australia và New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có hơn 50 hoạt động, để lại dấu ấn đậm nét và lan tỏa hình ảnh của một Việt Nam chân thành và mạnh mẽ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Toàn quyền New Zealand Dame Cindy Kiro.
Ảnh: Dương Giang/TTXVN
|
Chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia và thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 5-11/3 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp.
Trong chuyến công tác mặc dù phải di chuyển quãng đường dài, qua lại giữa 4 thành phố khác nhau của cả hai nước Australia và New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có hơn 50 hoạt động, để lại dấu ấn đậm nét và lan tỏa hình ảnh của một Việt Nam chân thành và mạnh mẽ.
"3 đột phá, 3 tăng cường, 3 cùng” trong quan hệ ASEAN-Australia
Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia đã thành công tốt đẹp, với nhiều kết quả quan trọng, khẳng định hai bên là những đối tác quan trọng vì tương lai, vì hòa bình và thịnh vượng.
Hội nghị đã thông qua hai văn kiện quan trọng là “Tuyên bố Melbourne - Đối tác vì tương lai” và “Tuyên bố Tầm nhìn của Lãnh đạo ASEAN-Australia - Đối tác vì hòa bình và thịnh vượng," làm cơ sở để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Australia thời gian tới.
Tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất “3 đột phá, 3 tăng cường và 3 cùng” trong quan hệ ASEAN-Australia, được các lãnh đạo đánh giá cao với nhiều nội dung được văn bản hóa. Trong đó, 3 đột phá gồm đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; đột phá trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực và hợp tác lao động; đột phá trong hợp tác về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ba tăng cường là tăng cường tin cậy chính trị; tăng cường hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân.
Ba cùng mà Thủ tướng đề xuất là cùng xây dựng một khu vực đoàn kết và tự cường; cùng thúc đẩy một khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế và hành xử dựa trên luật lệ; cùng xây dựng, định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, đề cao chủ nghĩa đa phương với ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Là người bên cạnh Thủ tướng trong các hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các phát biểu sâu sắc, toàn diện, mang tầm chiến lược của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được các nước đánh giá cao; vừa phản ánh đúng tầm mức quan hệ ASEAN-Australia 50 năm qua, vừa đề xuất tầm nhìn và định hướng tương lai và các đề xuất, sáng kiến thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN-Australia thời gian tới.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cùng các Trưởng đoàn và Tổng thư ký ASEAN tham dự Phiên họp hẹp Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN–Australia. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
|
Đáng chú ý, nhân dịp tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp xúc song phương với tất cả các trưởng đoàn tham dự hội nghị, gồm lãnh đạo các nước ASEAN, Timor Leste, Australia, New Zealand và Tổng Thư ký ASEAN.
Các cuộc gặp đều diễn ra trong bầu không khí chân tình, cởi mở, song nội dung thảo luận hết sức thực chất nhằm thắt chặt tình hữu nghị và thúc đẩy các nội dung hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhất trí phối hợp đẩy mạnh triển khai các thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là kết quả quan trọng của Cuộc gặp cấp cao giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí đẩy mạnh hợp tác thương mại gạo, hợp tác nông nghiệp, cụ thể là nuôi trồng thuỷ sản, tôm hùm; đề nghị Việt Nam khuyến khích Vinfast đầu tư vào lĩnh vực xe điện.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đề nghị hai nước hợp tác chặt chẽ trong sản xuất giống lúa gạo, cũng như trong ứng phó với Biến đổi Khí hậu, trong đó có hiện tượng El Nino.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhất trí đẩy mạnh triển khai các Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP), hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đối số, kinh tế xanh, kinh tế số; xây dựng và quản lý dữ liệu dân cư.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng hai nước cần phối hợp chặt chẽ trong thu hút đầu tư nước ngoài; nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, triển khai các cơ chế và thoả thuận hợp tác song phương; sớm ký thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực Halal…
Tầm cao mới trong quan hệ Việt Nam-Australia
Cùng với để lại dấu ấn đậm nét tại Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, chuyến thăm chính thức tới Australia và New Zealand của Thủ tướng cũng thành công về mọi mặt, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với hai nước.
Hai nước đã dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phu nhân sự đón tiếp trọng thị, thân tình, chu đáo, nghi lễ ngoại giao cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ, với 19 loạt đại bác trong các lễ đón.
Tại Australia, điểm nổi bật nhất của chuyến thăm là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện - đưa lịch sử quan hệ song phương bước sang một chương mới. Australia trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện thứ 7 của Việt Nam.
Hai bên đề ra phương hướng “6 điểm hơn" bao gồm tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn; Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn; thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh mạnh mẽ hơn; hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, môi trường, ứng phó với Biến đổi Khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn; hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh-quốc phòng.
Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales cho rằng, dù Việt Nam-Australia có thể chế chính trị khác nhau nhưng dường như đó không phải là trở ngại trong quan hệ hai nước.
Việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, cho thấy Australia và Việt Nam tôn trọng thể chế chính trị của nhau, và lợi ích kinh tế đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn vì một lợi ích chiến lược rộng lớn hơn, mang đến những điều tốt đẹp cho người dân hai nước, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam đông đảo ở quốc gia châu Đại Dương này, cũng như niềm tin chiến lược vào các nhà lãnh đạo của cả hai nước - những người đã đưa mối quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Ngoài cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Toàn quyền David Hurley, Chủ tịch Thượng viện Sue Lines và lãnh đạo đối lập Peter Dutton; tiếp Phó Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Hội Nghị sĩ Hữu nghị Australia-Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo khác của Australia.
Thủ tướng đã dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp, Diễn đàn giáo dục, Lễ khai trương Viện Nghiên cứu Chính sách Australia-Việt Nam và thăm một số cơ sở nghiên cứu khoa học và giáo dục-đào tạo của Australia.
Chuyến thăm chính thức tới Australia của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ xác định các mục tiêu hợp tác thương mại, thúc đẩy đầu tư mà còn mở rộng hợp tác giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng những động lực mới hiện nay, nhất là về Kinh tế Số, Kinh tế Xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Tại New Zealand, ấn tượng của chuyến thăm không chỉ bởi Chính phủ New Zealand đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân bằng phong tục đặc biệt, với cả lễ đón truyền thống của thổ dân Maori và lễ đón chính thức; mà chính là hai bên đã đề ra các nội dung được bao quát trong ba cặp từ khóa là “ổn định và củng cố," “tăng cường và mở rộng," và “tăng tốc và bứt phá."
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tại New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm sâu rộng với Thủ tướng Christopher Luxon và gặp một số lãnh đạo cấp cao của New Zealand.
Hai bên đã tăng cường được tình cảm cũng như sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau; đồng thời thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, giáo dục, giao lưu nhân dân; mở ra cơ hội hợp tác trên một số lĩnh vực mới như ứng phó với Biến đổi Khí hậu và chuyển đổi số.
Hai bên cũng thống nhất cùng phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt mục tiêu 2 tỷ USD trong năm 2024; nghiên cứu các biện pháp nhằm đưa đầu tư hai chiều lên 500 triệu USD vào năm 2030; cam kết cùng hợp tác, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Tại New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dự toạ đàm và làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand; thăm, làm việc với các tổ chức khoa học, công nghệ, giáo dục New Zealand. Qua đó, tăng cường sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, giáo dục, giao lưu nhân dân và cùng mở ra cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực mới như ứng phó với Biến đổi Khí hậu, Chuyển đổi Số...
Hiệu quả thiết thực
Trong chuyến thăm tới Australia và New Zealand, hai bên đã ký kết gần 30 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, đổi mới sáng tạo, hàng không, năng lượng, khai khoáng, thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, môi trường, lao động việc làm, tư pháp, quốc phòng… trong đó nổi bật là hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trong chuyến đi lần này của Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam và Australia cũng như New Zealand tiếp tục ký Hiệp định hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó trong đoàn công tác, có đại diện của 12 trường đại học của Việt Nam và 3 Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sang để ký các hiệp định, các bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, có 12 cái bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đã được các trường đại học của Việt Nam và các trường Đại học của Australia và New Zealand ký kết để triển khai trong thời gian sắp tới.
Cũng trong chuyến thăm tới hai nước, nhiều nội dung cụ thể, thiết thực khác được quyết định. Trong đó, Thủ tướng Australia thông báo các thỏa thuận tạo điều kiện cho 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của Australia, dự kiến bắt đầu đến nước này ngay trong năm nay.
Thủ tướng New Zealand công bố khoản viện trợ mới trị giá hơn 6 triệu đôla New Zealand cho lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Tập đoàn giáo dục Kalandra muốn cung cấp 1.000 học bổng đào tạo ngành điều dưỡng cho phía Việt Nam…
Xứng đáng là người Việt Nam, tự hào là người Việt Nam
Trong chuyến thăm cả ở Australia và New Zealand, Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân đều có các cuộc gặp gỡ cộng đồng, giới trí thức, doanh nhân Việt Nam đang sinh sống, học tập, công tác tại hai nước; khẳng định Đảng, Nhà nước xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và luôn quan tâm, chăm lo cho bà con.
Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con để chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan giải quyết. Đặc biệt, trong các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao, Thủ tướng Chính phủ đề nghị phía bạn cùng giải quyết một số đề xuất của bà con như việc đảm bảo địa vị pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con về thị thực…
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Australia và New Zealand xem xét, công nhận cộng đồng người Việt Nam tại đây là dân tộc thiểu số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân với cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand.
Ảnh: Dương Giang/TTXVN
|
Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn bà con đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, dìu dắt nhau vươn lên khẳng định mình ở sở tại, bà con “hãy luôn xứng đáng là người Việt Nam, tự hào là người Việt Nam;" giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam; thiết lập các cơ chế kết nối trong và ngoài nước; kêu gọi bà con cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Có thể khẳng định, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Australia và trên trường quốc tế; đồng thời có ý nghĩa quan trọng đánh dấu cột mốc nâng tầm quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và củng cố, tăng cường Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand; thiết thực chủ trương đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.
Phạm Tiếp/ TTXVN