Người Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn có bàn cãi chuyện đặt tên đường hay không thì không thấy sử sách nào ghi chép, chỉ biết rằng họ học hỏi được rất nhiều từ những người truyền giáo đến từ khắp thế giới.
Cuốn Lịch sử thế giới của Nguyễn Hiến Lê và Thiên Giang (Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh- 2016) cho biết dù rất độc đoán, chuyên chế về chính trị, nhưng Thành Cát Tư Hãn lại khuyến khích các giáo phái phát triển tự do. Các tôn giáo thời bấy giờ như đạo Gia Tô, đạo Phật, rồi Cảnh giáo, Hỏa giáo, Hi Lạp giáo… đều được tự do truyền bá. Qua các nhà truyền giáo nhập cư vào thảo nguyên, người Mông Cổ mong học hỏi từ người nước ngoài. Biết mình xuất thân trong bộ lạc hoang dã, du mục trên thảo nguyên, nên các vua Mông Cổ luôn tìm cách học hỏi các dân tộc văn minh. Vì vậy, đế quốc Mông Nguyên quy tụ đủ các giống người từ Trung Hoa, Ấn Độ đến La Mã, Ba Tư, Ả Rập thuộc đủ các giới giáo sĩ, nghệ sĩ, thương nhân, nhà thông thái. Trong việc cai trị đất nước, Đại Hãn cũng tin dùng cả người phương Tây. Có vị như Marco Polo làm quan to với nhà Nguyên đến 17 năm. Như thế, ngay từ rất sớm, những người nhập cư đã có vị trí xứng đáng trong chính quyền của đế quốc Mông Nguyên.
Trong cuốn Quốc gia khởi nghiệp (Nxb Thế giới- 2013), các tác giả Dan Senor và Saul Singer cho rằng phép lạ cho nền kinh tế thần kỳ của Israel là những người nhập cư. Gidi Grinstein, người sáng lập và là Chủ tịch của Viện nghiên cứu tư vấn chính sách Reut Institute, cho rằng “Người nhập cư không sợ bắt tay lại từ đầu. Họ được định nghĩa là những người thích mạo hiểm. Quốc gia của người nhập cư là quốc gia của những tay chơi khởi nghiệp”. Hiện nay 9/10 người ở Israel là dân nhập cư hoặc là con cháu thế hệ thứ nhất, thứ hai của người nhập cư. Israel là ngôi nhà của 70 quốc tịch và các nền văn hóa khác nhau. Cuối những năm 1980, gần 1 triệu dân Do Thái từ Liên Xô nhập cư về Israel, trong đó có trên 80.000 nhà khoa học, bác sĩ, kĩ sư hàng đầu thế giới. Chương trình “Vườn ươm công nghệ” được chính phủ Israel thành lập năm 1991 nhằm tài trợ cho những người nhập cư tài năng từ Liên Xô về. Chính họ đã góp phần tạo dựng kỳ tích của Israel, nơi được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp.
Ở Canada, đất nước được mô tả bởi những từ “cởi mở, dung hợp, tiến bộ, thịnh vượng”, luôn có những trung tâm dành cho người mới nhập cư (Centre for Newcomers). Thủ tướng Canada Justin Trudeau có câu nói nổi tiếng “Sự đa dạng là sức mạnh của Canada” (Diversity is Canada’s Strength). Ông cho biết, 1/5 dân số Canada sinh ở nước khác nhưng lựa chọn nhập cư vào Canada. Tại Toronto, thành phố lớn nhất của Canada, có tới hơn nửa số dân hiện nay không phải là người sinh ra tại Canada. Trên sân chơi ở các lớp mẫu giáo khắp Canada, trẻ em bi bô nói năm, sáu thứ tiếng khác nhau. Không ai bị phân biệt về gốc gác, xuất xứ. Bạn đến từ đâu không quan trọng bằng việc bạn làm được gì cho đất nước Canada. Người Canada tìm được sức mạnh từ sự đa dạng và đó cũng là cái họ cống hiến cho thế giới.
Những người đi vạn trùng xa, vượt khỏi ràng buộc của quê hương bản quán, tiếp xúc với người khác xứ, khác nước nên nhanh tiến bộ, có nhiều ý tưởng mới, sáng kiến lạ. Di chuyển đến vùng đất mới, phải đương đầu với muôn vàn tình huống, phải có tinh thần mạo hiểm, có bản lĩnh, có kỹ năng mới tồn tại. Người Việt định cư ở nước ngoài cũng luôn có tinh thần đó. Họ là một nguồn lực quý giá khi chúng ta xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Khi ấy, những trung tâm cho người nhập cư như của Canada, hay vườn ươm công nghệ như của Israel có lẽ sẽ là những tham khảo hữu ích để kêu gọi người Việt ở nước ngoài trở lại cống hiến cho quê hương./.
Tự Thủy