Điện Biên Phủ dưới lăng kính của báo chí quốc tế
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ được xem là dấu mốc quan trọng trong lịch sử oai hùng chống ngoại xâm của quân và dân Việt Nam mà còn góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình của nhân loại, cổ vũ phong trào độc lập trên thế giới.
|
Trận pháo kích vào cứ điểm Him Lam, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954. (Nguồn: Ảnh tư liệu) |
Chiến thắng làm thay đổi lịch sử
Tờ The Guardian của Anh từng có bài viết với tựa đề Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt chế độ thuộc địa của Pháp tại Việt Nam. Mở đầu bài viết, The Guardian khẳng định, Điện Biên Phủ là một thảm họa cho nước Pháp.
“Điện Biên Phủ là ba từ mà ở Pháp vẫn đồng nghĩa với một thất bại điển hình. Ngày 7/5/1954, sau cuộc chiến ác liệt kéo dài 57 ngày đêm giữa quân đội Việt Minh với lực lượng viễn chinh Pháp, quân đội Việt Minh đã chiếm ưu thế và giành chiến thắng”, tờ báo viết.
Tờ Pathetlao (Đất nước Lào) số ra ngày 6/5/2020 đăng bài viết mang tiêu đề Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, khẳng định đây là chiến thắng vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh chống đế quốc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.
Theo bài viết, Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, vừa là nguồn động lực to lớn trong công cuộc đổi mới nhằm thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đối với Lào, chiến thắng mang ý nghĩa quan trọng trong quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa Lào – Việt Nam, do Điện Biên Phủ nằm tiếp giáp với các tỉnh Phongsaly và tỉnh Houaphanh, nên việc đánh thắng Pháp tại Điện Biên Phủ đã giúp đập tan căn cứ quan trọng của kẻ thù.
Cách đây 10 năm, ngày 7/5/2014, báo Le Monde của Pháp đăng chùm ảnh với tựa đề 60 năm trận Điện Biên Phủ. Trong lời giới thiệu, báo viết: “Ngày 7/5/1954, quân đội Pháp thừa nhận đã thua trong trận chiến với Việt Minh của Hồ Chí Minh. Một thất bại mang tính biểu tượng dẫn đến kết thúc của chiến tranh Đông Dương hai tháng sau đó”.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vừa qua hàng loạt báo, tạp chí nổi tiếng tại Ai Cập như Egypt Today, Cairo Today, Al-Naser News… đăng tải các bài viết về sự kiện trọng đại này, nêu bật ý nghĩa của chiến thắng đối với Việt Nam cũng như với các nước trên thế giới. Các bài báo đánh giá cao sự vững bước trên con đường phát triển thịnh vượng, với nhiều thành tựu to lớn sau gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo các bài viết, Chiến thắng Điện Biên Phủ còn vang dội cho đến ngày nay, khi người dân trên khắp đất nước kỷ niệm 70 năm trận chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến thắng không chỉ ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam mà còn làm thay đổi cục diện thế giới, mở đường cho phong trào độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Chiến thắng không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam mà còn là sự cổ vũ và nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với các nước thuộc địa khác trên thế giới trong hành trình chống chiến tranh xâm lược, giành độc lập. Chỉ riêng năm 1960, 17 quốc gia đã giành được độc lập, do đó năm 1960 được gọi là “Năm châu Phi”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở, điều kiện để nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Hàng dài xe thồ trên đường ra chiến dịch. (Nguồn: Ảnh tư liệu)
Đường lối lãnh đạo sáng suốt, thông minh
Trong cuốn sách Thời điểm của sự thật, Tướng Navarre, Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam từng thừa nhận sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ là sự sụp đổ của những tư tưởng thực dân, mà nguyên nhân là do có sự mâu thuẫn giữa đường lối chính trị với đường lối quân sự của chính phủ Pháp đương nhiệm và các thế lực thực dân, đế quốc ở Đông Dương.
Trong khi đó, đối thủ của ông ta lại có một đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất, chặt chẽ và xuyên suốt lãnh đạo cuộc kháng chiến: “Ở Việt Minh, không có những chủ trương chính trị và những chủ trương quân sự riêng rẽ mà là những chủ trương chính trị - quân sự thống nhất. Những chủ trương đó được quyết định bởi một Ủy ban Trung ương mà người Tổng Chỉ huy đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng là một ủy viên. Kế hoạch quân sự được đặt trong một tổng thể mà tất cả mọi việc đều hướng vào nhiệm vụ bảo đảm cho sự thành công”.
Nói về đường lối chính trị và nội bộ chính phủ Pháp thời kỳ đó, Navarre đã phải cay đắng thốt lên: “Nhưng than ôi! Tình hình bên ta thì hoàn toàn ngược lại. Chưa bao giờ chúng ta có người cầm quyền từ đầu đến cuối… Để lãnh đạo chiến đấu từ bảy năm nay thì 19 chính phủ liên tiếp của ta đã đưa ra năm thủ lĩnh chính trị ở Đông Dương và sáu tổng chỉ huy. Hơn nữa, chúng ta chẳng bao giờ có một chính sách nhất quán từ đầu đến cuối. Hay nói đúng hơn: chúng ta chẳng có một chính sách nào cả…”.
Trong cuốn sách Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, tác giả Michael Maclear đã nêu một trong những nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược là có một Tổng chỉ huy rất tài giỏi. Ông viết: “Đối với ông Giáp, cảm giác khi gặp thì người ta thấy ông là một con người giống Napoleon về dáng vóc và kiến thức. Ông ta là một chiến lược gia có tài, với chủ trương chạy đua thời gian, trước mắt phải diệt tốt, đợi thời cơ sẽ diệt xe… Ông thua nhiều trận nhưng ông ta lại chẳng bao giờ thua một cuộc chiến tranh nào”.
Chung sức, đồng lòng
Nhìn toàn cảnh cuộc chiến tranh ở Đông Dương những năm 1953-1954, báo Rivaron số ra ngày 8/7/1954 từng viết: “Tinh thần quân đội họ cao. Đó là tinh thần của kẻ chiến thắng… Mặt khác cũng phải nói rằng, dân chúng có cảm tình với Cụ Hồ Chí Minh. Dân chúng sẵn sàng rời bỏ nơi mình ở” để theo Cụ Hồ, theo Việt Minh. Ngược lại, “tinh thần của quân Pháp thì dao động mạnh, tinh thần quân Việt (ngụy) sát cánh với họ đã suy sụp từ lâu, vì họ cho là Việt Minh chắc chắn sẽ chiến thắng”.
Tác giả G. Roy viết trong cuốn sách Trận Điện Biên Phủ, xuất bản năm 1963 tại Paris (Pháp): “Bất chấp hàng tấn bom đạn đã được ném xuống đường giao thông, con đường bảo đảm cho quân lính đối phương tiếp nhận được vũ khí, trang bị ấy không bao giờ bị cắt đứt.
Đừng nghĩ là sự viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại Tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot của Pháp thồ được từ 200 đến 300kg, điều khiển bởi những con người ăn không đủ no và ngủ ngay trên những tấm nilon trải trên mặt đất. Tóm lại, tướng Navarre không bị đánh bại bởi các phương tiện chiến tranh mà bởi trước hết là sự thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”.
Trong cuốn sách Chiến tranh cách mạng của cộng sản, tác giả K.Tenihen viết: “Các chiến thuật được thực hiện một cách xuất sắc, thường xuyên bởi một quân đội gồm những sĩ quan và binh lính tận tụy và gan dạ. Họ sống với nhau chung một hoàn cảnh, cùng chịu đựng và chia sẻ với nhau những gian khó. Nhìn bề ngoài khó phân biệt được binh lính với sĩ quan, họ thật sự chung sức với nhau để thực hiện mọi lý tưởng”.
Cảm phục về một quân đội anh hùng
Trong cuốn sách Đông Dương đỏ, xuất bản tại Paris, năm 1975, tướng Raoul Albin Louis Salan của Pháp phải thừa nhận: Quân đội nhân dân Việt Nam đã “trở thành bộ máy chiến tranh không gì sánh kịp”.
Sức mạnh cơ bản của “bộ máy chiến tranh” đó không phải là sức mạnh của đội quân nhà nghề, không phải nằm ở vũ khí, trang bị, mà là ở chính trị - tinh thần, ở ý chí quyết tâm bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc trước thế lực ngoại xâm.
Nhà nghiên cứu Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia khẳng định: “Thất bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ khiến Pháp phải mau chóng chấm dứt sự cai trị ở Đông Dương cũng như sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á”.
Ông cũng cho rằng, Chiến thắng Điện Biên Phủ gửi đi một thông điệp: Việt Nam sở hữu một nghệ thuật quân sự có thể đánh bại bất kỳ đạo quân xâm lăng nào và lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Theo: TG&VN