Chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2022).
ĐỐI NGOẠI PHÁT HUY “4N” TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay, “Nghiệp vụ, Ngoại hình, Ngoại ngữ, Ngoại giao” (4N) là bốn yếu tố căn bản mà rất nhiều công việc hiện nay đòi hỏi ở người lao động, đặc biệt là đối với “nghề” đối ngoại.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thăm và làm việc với Sở Ngoại vụ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh.
Trải qua gần 80 năm ngành Ngoại giao được thành lập (28/8/1945 - 28/8/2022), cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng được thành lập và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dẫn dắt và chỉ đạo trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Người đã để lại cả một di sản vô cùng quý báu cả về Tư tưởng, đường lối Ngoại giao Hồ Chí Minh; đề rồi theo chân Bác, chúng ta có được cơ đồ như ngày hôm nay. Từ thời điểm đó, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại luôn đóng vai trò tiên phong, đồng hành cùng đất nước trong mọi chặng đường cách mạng của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lớp học tiếng Hàn cho cán bộ làm công tác đối ngoại của tỉnh
Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay, “Nghiệp vụ, Ngoại hình, Ngoại ngữ, Ngoại giao” (4N) là bốn yếu tố căn bản mà rất nhiều công việc hiện nay đòi hỏi ở người lao động, đặc biệt là đối với “nghề” đối ngoại. Bàn về 4N, trước hết phải kể đến yếu tố Nghiệp vụ. Nghiệp vụ chuyên môn ở mức độ nào đó là điều kiện tiên quyết và bắt buộc của một ngành nghề nhất định, cũng như một người làm công tác chuyên môn trong ngành ngoại giao thì đương nhiên phải biết nghiệp vụ ngoại giao. Trong thế giới phẳng, biết Ngoại ngữ là một lợi thế cạnh tranh không chỉ cho đối với một cá nhân, tổ chức bất kỳ mà đó có thể là lợi thế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ. Đặc biệt nói về ngành ngoại giao hiện đại, ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc. Bài viết “Top 10 Reasons Why Physical Appearance Is So Important?” của tác giả Amitabh Shukla trên trang Paggu.com cho rằng Ngoại hình là cái biểu hiện bên ngoài của một người, là hình hài và thần thái của người đó. Thường những người có vẻ bề ngoài tươm tất “good looking” thì họ sẽ có thái độ tích cực và tư tưởng lạc quan trong công việc và trong cuộc sống. Yếu tố Ngoại hình được xem là không kém phần quan trọng, nó như nét duyên để tạo thiện cảm ban đầu khi giao tiếp. Cuối cùng là yếu tố Ngoại giao. Đối với một cá nhân, ngoại giao chính là kỹ năng mềm, là khả năng giao tiếp, phân tích, thuyết phục, định hướng… Ngoại giao là nghệ thuật khiến người khác ủng hộ và đi theo con đường của mình. Đối với một quốc gia, ngoại giao đi đầu trong việc đưa đất nước thoát khỏi thế cô lập, tăng cường các mối quan hệ hợp tác, hội nhập sâu rộng. Đồng thời, ngoại giao cũng tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại giữa các nước, tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại của đất nước.
Cán bộ ngoại vụ Phú Thọ tại Hội chợ ẩm thực quốc tế
Với mục tiêu phát triển và khẳng định vai trò quan trọng của ngành ngoại giao, 4N được cụ thể hóa thành nghiệp vụ chuyên môn giỏi, ngoại ngữ trôi chảy, ngoại hình sáng và khả năng giao tiếp khéo léo sẽ là tiêu chuẩn và động lực đối với cán bộ làm công tác đối ngoại. Đây cũng là những yếu tố gợi mở định hướng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nói chung và ngành ngoại giao nói riêng. Bởi lẽ nguồn nhân lực có chất lượng chính là “tài nguyên”, là nơi tập trung trí lực góp phần phát huy sức mạnh của đất nước, địa phương hay tổ chức. Ngành ngoại giao nói chung và công tác ngoại vụ địa phương nói riêng tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại chuyên nghiệp hội tụ đủ các yếu tố “Nghiệp vụ, Ngoại hình, Ngoại ngữ, Ngoại giao”để phát triển ngành ngoại giao vươn tầm cao mới./.
Phương Thảo