Hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ
Ngày 24/4, Sở Công thương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp chè khu vực Đông Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại; Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia: Băng-La-đét, Indonesia; Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, Ấn Độ, Ảrập Xê-út, Ma-Rốc; Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Sở: Công Thương (Chủ trì Hội nghị), Sở Ngoại Vụ, Sở Kế hoạch và đầu tư, Khoa học và công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương các tỉnh và 50 doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Phú Thọ là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng chè lớn trong cả nước. Diện tích chè toàn tỉnh là 15,4 nghìn ha, trong đó có gần 4.000ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn; năng suất chè búp tươi đạt 122,5 tạ/ha. Toàn tỉnh có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên một tấn búp tươi/ngày; gần 1.300 cơ sở chế biến chè thủ công; 15 làng nghề và tám hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Sản lượng chế biến bình quân khoảng 60.000 tấn/năm. Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu đến thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan, Nga …
|
Khu vực Đông Bắc hiện có tám tỉnh trồng chè với tổng diện tích trên 71 nghìn ha, năng suất bình quân đạt khoảng 500.000 tấn búp chè tươi; sản lượng chè khô đạt khoảng trên 120 nghìn tấn. Những năm qua, sản phẩm chè đã có mặt tại 74 thị trường trên thế giới. Việt Nam hiện đứng thứ năm về diện tích trồng chè và lọt vào danh sách tám nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Năm 2022, xuất khẩu chè cả nước ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá gần 240 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và 10,7% về giá trị so với năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải cũng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã khu vực Đông Bắc.
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và chế biến chè đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thổ nhưỡng phát triển vùng nguyên liệu; quy trình sản xuất chè an toàn và các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển ngành chè bền vững.
.png)
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông chia sẻ trực tuyến tại hội nghị
Đặc biệt, tại Hội nghị, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước chia sẻ trực tiếp và trực tuyến: Việt Nam hiện là nguồn cung chè nhập khẩu lớn, để có thể gia tăng xuất khẩu các Đại sứ đưa ra một số kiến nghị, cần tập trung đẩy mạnh quảng bá thương hiệu của các DN chè, thúc đẩy quảng bá phân khúc chè chất lượng cao và hữu cơ; Đa dạng hóa các sản phẩm chè, đặc biệt quan tâm thúc đẩy chè uống liền do nhu cầu đang gia tăng; Các DN chè cần đảm bảo chất lượng hàng giao, thời gian giao hàng và đặc biệt không có các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để giữ uy tín cho ngành chè Việt Nam.
Với vai trò của cơ quan đại diện, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng các DN ngành chè Việt Nam trong công tác xúc tiến, quảng bá mặt hàng chè tại thị trường.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Khu vực Đông Bắc là khu vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè lớn nhất cả nước. Các tiềm năng để phát triển thương mại, xuất khẩu các sản phẩm chè trong khu vực vùng Đông Bắc nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng là rất lớn. Ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương.
Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại ngành chè, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công thương các tỉnh khu vực Đông Bắc tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, liên kết với các Sở Công thương trong khu vực, các Đại sứ, Tham tán, Thương vụ của Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu và gia tăng giá trị hàng hóa; đổi mới công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hỗ trợ mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia vào thị trường trong và ngoài nước. Đồng chí cũng đề nghị các Tham tán tại các quốc gia tiếp tục quan tâm, kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trong khu vực ra thị trường thế giới.

Toàn cảnh Hội nghị
Trung An