Hội thảo khoa học - thực tiễn “Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - Bảo tồn và phát huy giá trị”
Ngày 12/10/2023, tại Khu Di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ, UBND huyện Hạ Hòa chủ trì, phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học - thực tiễn “Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - Bảo tồn và phát huy giá trị”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Dự hội thảo có các đồng chí: Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo các địa phương trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng, di sản trên cả nước.
Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng khẳng định: Hội thảo khoa học - thực tiễn “Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - Bảo tồn và phát huy giá trị” là hoạt động nghiên cứu khoa học quan trọng, mang giá trị nhân văn sâu sắc hướng về cội nguồn, tri ân và tôn vinh công đức Quốc Mẫu Âu Cơ. Đây là điểm nhấn trong công tác tuyên truyền về giá trị di tích, khẳng định vị thế của Đền Mẫu Âu Cơ và Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ; làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ nâng cấp Di tích Đền Mẫu Âu Cơ lên hạng Quốc gia đặc biệt, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Hạ Hòa nói riêng và nhân dân Đất Tổ cũng như đồng bào cả nước nói chung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh đã tập trung thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong xã hội để tôn tạo, tu bổ hệ thống các di tích gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; thực hiện các đề tài khoa học, chương trình, dự án kiểm kê, bảo tồn, sưu tầm, nghiêm cứu liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Quan điểm của tỉnh là phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực sẵn có của địa phương cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, trong đó có Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Trong thời gian tới, huyện Hạ Hòa cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy hoạch Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, chỉnh trang khuôn viên di tích và đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Quang cảnh hội thảo
Đồng chí mong muốn các đại biểu, nhà nghiên cứu, học giả trong cả nước tham dự hội thảo tập trung phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về các giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, khảo cổ… của Đền Mẫu Âu Cơ và Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Đồng thời, nêu ra các giải pháp giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả hơn công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hoá Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ trên tinh thần “biến di sản thành tài sản”, mục tiêu quan trọng nhất là đưa giá trị di sản thành lợi thế phát triển du lịch, tạo điều kiện để cộng đồng dân cư được hưởng lợi. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phân tích làm rõ phong cách nghệ thuật, giá trị điêu khắc, ý nghĩa tôn giáo, tâm linh của tượng Mẫu Âu Cơ
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định: Từ lâu, trong tâm thức của muôn dân đất Việt, Đền Mẫu Âu Cơ gắn với Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã trở thành một nét đẹp trong tinh hoa văn hóa của người Việt, là biểu tượng thiêng liêng của nguồn cội con Lạc cháu Hồng. Hiện nay, Đền Mẫu Âu Cơ và Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ nằm trong hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng, trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng của vùng Đất Tổ.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Hạ Hòa Lê Văn Thà đóng góp ý kiến về việc bảo tồn, phát huy di sản Đền Mẫu Âu Cơ
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Đền Mẫu Âu Cơ và Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ trong thời gian tới. Đặc biệt là gợi mở, nêu ra các giải pháp giúp kết nối giá trị của 2 di sản văn hóa, các giá trị tâm linh với việc phát triển kinh tế, phát triển du lịch tâm linh; đưa vị thế của Đền Mẫu Âu Cơ xứng tầm với ý nghĩa vốn có của di tích trong tâm thức người Việt và làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.
Phần thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại Khu Di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ
Thông qua hội thảo nhằm bổ sung cơ sở khoa học, tư vấn và gợi ý các giải pháp quan trọng để huyện Hạ Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị Đền Mẫu. Việc nâng tầm di tích trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt không chỉ đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hạ Hòa mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tỉnh Phú Thọ và đất nước nói chung; tạo điều kiện cho nhân dân, du khách thập phương đến thưởng ngoạn, chiêm bái, bày tỏ lòng thành kính và tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ.
Nguồn: Cổng Giao tiếp Phú Thọ