Tỉnh Phú Thọ, năm 2020, do ảnh hưởng của Dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu nên số lượng công dân xuất cảnh, di cư ra nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh đến cư trú, hoạt động tại địa bàn tỉnh Phú Thọ giảm so với các năm trước. Trong năm, toàn tỉnh có 2.465 người di cư hợp pháp ra nước ngoài, trong đó có 1.750 người xuất cảnh lao động hợp pháp ở nước ngoài theo hợp đồng xuất khẩu lao động, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức khác là 624 người, đi học tập nước ngoài là 51 người, kết hôn với nước ngoài 34 người, cho nhận con nuôi quốc tế 6 người.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh có có 3.280 công dân xuất cảnh sang các nước trở về địa phương, trong đó có 1.863 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc trở về địa phương. Tỉnh hiện có 388 trường hợp lao động vi phạm hợp đồng, ở lại cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc. Năm 2020 tỉnh có 90 người xuất cảnh trái phép, chủ yếu là sang Trung Quốc. Những đối tượng này không chỉ gây khó khăn trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, phát sinh những rủi ro, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người lao động, mà còn gây phức tạp về an ninh trật tự và ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, quan hệ hợp tác lao động giữa nước ta với các nước.
Năm 2020, tỉnh Phú Thọ có 3.742 đoàn (6.936 lượt người nước ngoài) đến địa bàn tỉnh (giảm 4.881 đoàn với 8.896 lượt người so với cùng kỳ năm 2019), chủ yếu là người Hàn Quốc, Trung Quốc và công dân đến từ các nước ASEAN. Hiện có 1.156 người nước ngoài làm việc, học tập, thăm thân cư trú tại địa bàn, trong đó có 852 người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, trường học.
Thực hiện Quyết định 402/QĐ-TTg, hướng dẫn của Bộ Ngoại giao tại Văn bản số 1378/BNG-LS ngày 20 tháng 4 năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2990/KH-UBND ngày 09/7/2020 về triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc. Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Quyết định 402/QĐ-TTg, Kế hoạch số 2990/KH-UBND, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung trong lĩnh vực di cư. Công tác tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện quản lý nhà nước về di cư.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó chú trọng tới yếu tố di cư nước ngoài. Chỉ đạo các ngành, địa phương cụ thể hoá các chương trình, kế hoạch tạo việc làm, xuất khẩu lao động hàng năm gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và từng địa phương để triển khai thực hiện. Thẩm định phê duyệt triển khai nhiều chương trình, dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, triển khai các chương trình viện trợ, tập trung các lĩnh vực: y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội nhằm hỗ trợ người dân vùng nông thôn, miền núi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công theo theo dõi, nắm tình hình cán bộ, công dân xuất cảnh đi công tác, học tập, khám chữa bệnh, du lịch, thăm thân,...; theo dõi lưu học sinh học tập ở nước ngoài; tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng, thông tin, truyền thông; kịp thời định hướng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, không xuất cảnh trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài; đồng thời phát hiện, xử lý đối tượng hoạt động lợi dụng Internet để móc nối, lôi kéo công dân địa phương di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp; tăng cường điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, đưa người đi nước ngoài trái phép.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác triển khai Thỏa thuận GCM còn một số khó khăn, vướng mắc như sau: cơ chế phối hợp, thống nhất để chia sẻ trách nhiệm và trong đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng phục vụ cho công tác quản lý hoạt động di cư đôi khi chưa kịp thời; công tác quản lý, theo dõi công dân địa phương xuất cảnh trái phép đi nước ngoài gặp khó khăn vì theo quy định của Luật Cư trú, công dân vắng mặt tại địa phương không phải khai báo tạm vắng.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý di cư, tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư; phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động lợi dụng Thỏa thuận toàn cầu về di cư để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong thời gian tới cần thiết phải thực hiện tốt một số nội dung như sau:
(1) Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam về di cư; đẩy nhanh việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động di cư nhằm để quản lý tốt hơn hoạt động di cư vì mục tiêu phát triển và kịp thời ứng phó với các vụ việc nảy sinh cần đến công tác bảo hộ công dân.
(2) Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý đối với từng loại hình di cư nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về di cư.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liêu quan nhằm thúc đẩy hoạt động di cư an toàn, hợp pháp, phòng chống di cư trái phép, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.
Phương Chi