Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng (19/9/1954-19/9/2024)
Phú Thọ làm theo lời Bác
Ngày 19/9/1954, lời căn dặn - lời dạy bất hủ của Bác Hồ tại đền Giếng (Khu DTLS Đền Hùng) như thấm sâu vào trái tim mỗi người Việt Nam: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lần đầu tiên, cả chặng đường dài mấy ngàn năm của lịch sử dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong một câu nói như một sự tổng kết quy luật tồn tại và phát triển. Chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, Người đã đặt cội nguồn dân tộc lên một tầm cao mới. Nhắc đến công lao của các Vua Hùng ngay tại nơi thiêng liêng mà bao đời người Việt trở về trong tâm thức và trong đời thường là Đền Hùng, Bác đã khơi gợi lên ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang trong thời kỳ thay đổi mang tính thời đại. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó Châu Á - Thái Bình Dương là địa bàn cạnh tranh quyết liệt nhất. Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; triệt để lợi dụng hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để thâm nhập nội bộ, thúc đẩy các yếu tố "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm hơn trong thực hiện lời dạy của Bác Hồ "dựng nước phải đi đôi với giữ nước". Lời căn dặn của Bác không chỉ dành cho cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong mà còn cho cả toàn quân; Không chỉ với Nhân dân Phú Thọ mà còn với Nhân dân cả nước; không chỉ với thế hệ hôm nay mà còn với cả thế hệ mai sau.
Trong suốt 70 năm qua (1954 - 2024), những tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân tình của Bác đã khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Phú Thọ và trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt được những thành tích quan trọng, có ý nghĩa to lớn trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một tỉnh giàu đẹp như lúc sinh thời Người hằng mong muốn. Khắc ghi lời Bác dạy khi về thăm Đền Hùng và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phú Thọ luôn phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách, tạo nên những chuyển biến hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng.
Đó là những thành tựu trên mặt trận cải tạo quan hệ sản xuất, tổ chức lại lao động, xây dựng cơ cấu kinh tế mới, tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện trên lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp, cả về trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá, nghề rừng, nghề thủ công, tạo thế và lực cho chế độ mới từ địa bàn nông thôn rộng lớn, đảm bảo chính sách hậu phương quân đội, đủ sức chống thiên tai và sự phá hoại của kẻ địch. Từ chỗ hầu như không có cơ sở công nghiệp nào đáng kể, Phú Thọ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước với các khu công nghiệp Việt Trì, Lâm Thao, Bãi Bằng, Đồng Xuân...; lực lượng lao động công nghiệp lên tới hàng chục vạn người. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trên quê hương Đất Tổ.
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị thấp kém; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay, kinh tế của Phú Thọ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cả nước và các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP 7,58% (đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng); GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 65,4 triệu đồng (đứng thứ 34/63 tỉnh, thành và đứng thứ 05/14 tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc).
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Chỉ đạo cụ thể hóa, rà soát bổ sung quy hoạch, kế hoạch, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn; hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kết cấu hạ tầng trọng điểm tiếp tục quan tâm đầu tư, đẩy mạnh, dần hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ liên vùng, kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, như: cầu Vĩnh Phú- nối tỉnh Vĩnh Phúc; đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ,… Việc đầu tư các dự án hạ tầng KCN, CCN, một số đô thị, khu du lịch được triển khai nhanh; thành lập mới 04 CCN (Nam Đoan Hùng, Phú Hộ, Đồng Phì, Ngọc Quan)…
Hoạt động thương mại, dịch vụ, tài chính tín dụng cơ bản ổn định, có mức tăng khá; tổng thu cân đối NSNN trên địa bàn đạt 8.416 tỷ đồng; 13/13 đơn vị huyện, thành, thị hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao, trong đó có một số đơn vị đạt cao. Hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ sản phẩm. Giá trị xuất nhập khẩu đạt 10,4 tỷ USD (đứng thứ 09/63 tỉnh, thành)…
Với những thành tựu xuất sắc đạt được trong những năm qua, Nhân dân và cán bộ tỉnh Phú Thọ được Đảng và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập, được phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; nhiều tập thể, cá nhân được phong danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân","Anh hùng lao động"; hàng vạn đồng bào chiến sỹ trong tỉnh được tặng thưởng huân, huy chương và các phần thưởng cao quý khác.
Vững bước theo Đảng, theo Bác, những con Lạc cháu Hồng trên quê hương Đất Tổ nguyện tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tạo nên bước chuyển biến mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu xây dựng quê hương Phú Thọ thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Ngọc Anh