LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH PHÚ THỌ
Phú Thọ là vùng đất cổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, nơi phát tích tín ngưỡng thờ Vua cha Đất Tổ Vua Hùng và Quốc Mẫu Tây Thiên. Với bề dày truyền thống lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, Phú Thọ nằm ở trung tâm của nền văn minh Sông Hồng, là cội nguồn của thế dựng nước và giữ nước, đất của di tích lịch sử, của các danh thắng và sản vật thiên nhiên độc đáo.
Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, ngày 12/6/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ. Sau khi sắp xếp, tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên là 9.361,38 km2, quy mô dân số là 4.022.638 người. Tỉnh Phú Thọ giáp các tỉnh Lào Cai, Ninh Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.
Tỉnh Phú Thọ có vị trí thuận lợi, nằm tiếp giáp với thành phố Hà Nội và thuộc vùng Thủ đô; có hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết thuận lợi với vùng Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc, là điểm trung chuyển quan trọng giữa miền núi và đồng bằng; hệ thống cơ sở hạ tầng các lĩnh vực đã được quy hoạch và đầu tư tương đối đồng bộ. Việc hợp nhất tỉnh đã mở ra không gian, dư địa phát triển mới với diện tích đứng thứ 15, dân số đứng thứ 11, quy mô kinh tế đứng thứ 6 cả nước. Thành tựu, kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội; các giá trị lịch sử, văn hóa; kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư thời gian qua sẽ tạo động lực cho tỉnh phát triển.
Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Phú Thọ đã phát huy truyền thống đoàn kết, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, năng động, sáng tạo, vượt khó với quyết tâm cao để thực hiện hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra và tiếp tục giành được thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh ước đạt 7,5%; cao hơn mức tăng bình quân của giai đoạn 2016 - 2020 (7,0%/năm) và cao hơn bình quân chung của cả nước (6,2%/năm). Quy mô kinh tế năm 2024 đạt 354,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6/34 tỉnh, thành phố, dự kiến năm 2025 đạt 390 nghìn tỷ đồng (gấp 1,56 lần so năm 2020); giá trị GRDP bình quân đầu người năm 2025 ước đạt 105,2 triệu đồng, tăng 1,48 lần so năm 2020.
Chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, gia tăng tỷ trọng các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực; ước hết năm 2025, tỷ trọng khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 53%, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 33,8% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 13,2% trong cơ cấu tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, góp phần bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tổng thu 05 năm 2021 - 2025 dự kiến đạt gần 243,5 nghìn tỷ đồng (bình quân hằng năm đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 1,3%/năm).
Đặc biệt, Phú Thọ đã thực hiện hiệu quả 5 khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút, giải phóng các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường lập và quản lý quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới; đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy.
Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Các giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa của các dân tộc được bảo tồn, phát huy, từng bước gắn kết với phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm, đối tượng chăm lo được mở rộng; các chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 ước còn khoảng 2,75% (giảm bình quân 0,94%/năm). Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” được đẩy mạnh cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội. Toàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xóa 8,1 nghìn nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành gần 5,7 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Tích cực triển khai các giải pháp bảo đảm việc làm, quyền lợi, kết nối cung - cầu lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 58 nghìn lao động, duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp từ 1 - 1,6%. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển có chiều sâu. Hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng, củng cố vững mạnh. Tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cách tiếp cận giải quyết vấn đề của cấp ủy, chính quyền các cấp có sự đổi mới mạnh mẽ; tác phong, lề lối làm việc của đảng viên, cán bộ có chuyển biến tích cực.
Nằm ở trung tâm của nền văn minh Sông Hồng, Phú Thọ là đất cội nguồn, đất của thế dựng nước và giữ nước, đất của các di tích lịch sử; đất của các danh thắng, của các sản vật thiên nhiên độc đáo. Hơn một thế kỷ qua, đặc biệt từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, kiên cường anh dũng chống giặc ngoại xâm góp phần bảo vệ và đồng tâm, nhất trí thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.