Với bờ biển dài trên 3.260 km, trải dài từ Bắc xuống Nam, Việt Nam đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Theo công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, nước ta có diện tích biển trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích biển Đông. Vùng biển nước ta có 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Vừa có tiềm năng phát triển kinh tế, biển đảo nước ta vừa là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng- an ninh của đất nước, hình thành nên tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp với những điểm tự, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, đồng thời là lá chắn vững chắc từ hướng biển, tạo thế liên hoàn biển - đảo - bờ trong thế trận phòng thủ khu vực.
 |
Đoàn đại biểu tỉnh Phú Thọ bên cột mốc chủ quyền Trường Sa. |
Trong vùng biển Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo với các đảo nằm rải rác suốt dọc bờ biển như một lá chắn sườn Đông của đất nước, là bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với các vùng biển đảo khác và đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển từ ngàn đời của dân tộc ta.
Theo Công ước quốc tế về Luật biển, chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển đảo của Việt Nam trên biển Đông; đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, ngày nay, tại biển Đông đang diễn ra những tranh chấp phức tạp và quyết liệt về chủ quyền giữa các quốc gia, tiềm ẩn những bất trắc khó lường, đang thách thức, đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh của nước ta trên biển và từ hướng biển. Đối với quần đảo Hoàng Sa, Nhà nước phong kiến Việt Nam dưới thời Pháp thuộc và chính quyền Việt Nam cộng hòa trước đây đã thực hiện chủ quyền; nhưng năm 1956 Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng toàn bộ nhóm đảo phía Đông, năm 1974 lại đưa quân đội chiếm đóng nhóm đảo phía Tây, hiện đang chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo này của Việt Nam. Đối với quần đảo Trường Sa, dưới thời Pháp thuộc, Nhà nước phong kiến Việt Nam và chính quyền Việt Nam cộng hòa đã thực hiện chủ quyền và đóng quân trên một số đảo nổi. Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, chúng ta đã giải phóng quần đảo Trường Sa, thu non sông về một mối, tiếp tục khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, tại quần đảo Trường Sa đang có mặt của lực lượng 4 nước 5 bên và yêu sách về chủ quyền có 5 nước, 6 bên. Cụ thể, Trung Quốc đánh chiếm 7 đảo, bãi đá; Đài Loan chiếm 1 đảo; Philippin chiếm đóng 9 đảo; Malaixia chiếm đóng 7 đảo; Brunây tuy không chiếm đảo nào nhưng có yêu sách chủ quyền; Việt Nam thực hiện chủ quyền và đóng giữ 21 đảo (gồm 9 đảo nổi và 12 đảo, bãi đá ngầm) với 33 vị trí đóng quân.
Hoàng Sa, Trường Sa là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Toàn thể dân tộc ta đã bền bỉ đấu tranh thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kiên trì đường lối giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo luật pháp quốc tế và biện pháp hòa bình, nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng mà ông cha ta đã bảo vệ, giữ gìn để trao lại cho con cháu hôm nay. Mỗi khi biển Hoàng Sa, Trường Sa "dậy sóng", cả nước lại hướng ra biển Đông, chi viện sức người, sức của, tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên các vùng biển đảo.
Cùng với đồng bào cả nước, trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn hướng về biên giới, hải đảo, kịp thời chi viện, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ. Năm 2014, khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta, trong phong trào "Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu", nhân dân Phú Thọ đã quyên góp hơn 10 tỷ đồng. Với số tiền này, tỉnh ta đã đóng 2 chiếc xuồng CQ 01 và CQ 02 tặng các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; mua quà tặng các đơn vị hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư...
Từ năm 2011 đến nay, năm nào Phú Thọ cũng cử đoàn đại biểu tham gia các Đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đi thăm, tặng quà, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Năm nay, Đoàn đại biểu Phú Thọ do hai đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Vi Trọng Lễ - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Việt Anh - Trưởng Ban Tuyên giáo dẫn đầu 16 thành viên là lãnh đạo một số cơ quan, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố, hạt nhân văn nghệ tiêu biểu tham gia đoàn công tác số 15 do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải Quân tổ chức đi thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam, từ ngày 1 đến 11-6- 2015.
Đoàn công tác số 15 gồm 200 cán bộ các cơ quan: Bộ Công thương, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng cục CSND, Quỹ học bổng Vừ A Dính, Ngân hàng chính sách xã hội, Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, tỉnh Phú Thọ, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và một số phóng viên, văn nghệ sĩ... do Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng làm Trưởng đoàn.
Trong những ngày công tác tại vùng biển phía Nam, tham gia các nội dung hoạt động của Đoàn công tác số 15, Đoàn đại biểu tỉnh Phú Thọ đã đi thăm, động viên và tặng quà cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại 11 điểm đảo, nhà giàn, gồm cụm đảo Đá Lớn, Đá Đông và các đảo: Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Lát, Trường Sa; các nhà giàn DK1/19, DK1/8 trên thềm lục địa phía Nam.
Các đồng chí lãnh đạo và thành viên trong đoàn đã động viên, thăm hỏi và chuyển quà của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ tới bộ đội và các lực lượng phối thuộc làm nhiệm vụ trên các đảo, Nhà giàn DK1. Các hạt nhân văn nghệ, các thành viên trong đoàn tích cực giao lưu, biểu diễn văn nghệ phục vụ các chiến sĩ và nhân dân. Đặc biệt, đoàn đã gặp gỡ, tặng quà các chiến sĩ quê hương Phú Thọ, động viên anh em yên tâm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ đất nước. Ở bất kỳ đâu, những cuộc gặp gỡ với chiến sĩ của quê hương đang làm nhiệm vụ tại các điểm đảo, Nhà giàn DK1 cũng diễn ra thân tình, ấm áp, đầy xúc động.
Thăm đảo Sinh Tồn, sau khi dự lễ chào cờ Tổ quốc, đi thăm đảo, chúng tôi vô cùng phấn khởi thấy cuộc sống nơi đây đang sinh sôi từng ngày. Hòn đảo có chiều dài 392 m, chiều rộng 115 m nằm trên một nền san hô ngập nước có diện tích khoảng 3,6ha đã là một ốc đảo xanh. Gần 850 cây xanh đã bén rễ tốt tươi trên đất Sinh Tồn. Xã đảo đã có khu dân cư, có trường học, có chùa, trạm hải đăng... Tình cảm quân với dân, với đất liền luôn gắn bó. Thời điểm này, Phú Thọ có 2 sĩ quan đang làm nhiệm vụ ở đảo. Tấm bia đá đặt trước cửa chùa Sinh Tồn khắc ghi danh sách 64 chiến sĩ Hải quân anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu trên bãi đá Gạc Ma ngày 14/3/1988; trong đó tỉnh Phú Thọ có 2 người con ưu tú là liệt sĩ Hán Văn Khoa, sinh năm 1962, quê xã Văn Lương, huyện Tam Nông và liệt sĩ Phan Văn Doan, sinh năm 1960, quê xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba.
Đảo Trường Sa - thị trấn huyện lỵ Trường Sa - đúng là một pháo đài sừng sững giữa biển Đông. Trên đảo có đầy đủ các lực lượng của quân đội, luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Là Trung tâm hành chính của huyện đảo, Trường Sa có các công trình nhà làm việc, nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, trạm khí tượng, trường học, khu dân cư, nhà khách, nhà đèn, chùa, cảng nước sâu, tàu lớn có thể cập bến. Đây cũng là một hòn đảo xanh với rất nhiều cây bàng vuông, phong ba, bão táp... góp phần làm dịu nắng nóng mùa hè khắc nghiệt. Sau cuộc gặp mặt, tặng quà bộ đội và nhân dân thị trấn, Đoàn đại biểu tỉnh đã đến viếng các liệt sĩ tại đài tưởng niệm, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà tưởng niệm Người, đến thăm, tặng quà những người con của quê hương đang làm nhiệm vụ tại đảo anh hùng; dự lễ an tâm tượng phật tại chùa và cùng giao lưu trong "Đêm văn nghệ Trường Sa" đầy xúc động.
 |
Các thành viên trong đoàn gặp gỡ, động viên các chiến sĩ là con em nhân dân tỉnh Phú Thọ đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa. |
Trong hành trình thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Đoàn công tác số 15 cùng cán bộ, chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên tàu Trường Sa 571 đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm các chiến sĩ giữ đảo hy sinh tại bãi đá Gạc Ma (năm 1988) và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam.
Tham gia các cuộc thi biểu diễn văn nghệ, tìm hiểu truyền thống bộ đội Hải quân, tìm hiểu về quần đảo Trường Sa và sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài biển đảo do lãnh đạo Đoàn công tác số 15 phát động, thành viên của đoàn Phú Thọ đã giành 2 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba; tích cực tham gia các hoạt động giao lưu trên tàu Trường Sa 571. Đại diện các cơ quan báo chí, văn học nghệ thuật tham gia đoàn đã cập nhật thông tin, hình ảnh, vừa tham gia công tác tuyên truyền trên tàu Trường Sa 571, vừa kịp thời chuyển về tỉnh để phục vụ bạn đọc báo và khán giả truyền hình.
Phát biểu trong buổi tổng kết chuyến đi, đồng chí Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn công tác và đại tá Lê Xuân Thủy - Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cảm ơn nhân dân tỉnh Phú Thọ đã trao tặng Hải quân 2 xuồng tuần tra, tặng lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư 2 tỷ đồng, tặng 12 ti-vi cùng nhiều nhu yếu phẩm cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các đảo, nhà giàn; ghi nhận sự nhiệt tình và trách nhiệm của các thành viên đoàn Phú Thọ đã góp phần làm nên thành công trong các hoạt động của Đoàn công tác số 15, để lại ấn tượng tốt đẹp với cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Bộ Tư lệnh Hải quân đã tặng các thành viên trong đoàn Huy hiệu "Chiến sĩ Trường Sa". Kết thúc chuyến đi, Đoàn công tác tỉnh Phú Thọ cũng có nhiều kiến nghị với Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm có nhiều chính sách đầu tư để xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trở về từ quần đảo và thềm lục địa phía Nam, chúng tôi càng tin tưởng hơn quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trực tiếp là quân và dân Trường Sa, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng; tin tưởng ở thế trận kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng để bảo vệ biển đảo và phát triển kinh tế biển. Từ thực tế ở Trường Sa càng đòi hỏi sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp của mỗi tổ chức, cá nhân; tình cảm và trách nhiệm thường xuyên của mỗi người trong đất liền với các chiến sĩ và đồng bào nơi hải đảo, biên giới. Trong chuyến đi này, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa nghĩa tình người Đất Tổ; chúc các chiến sĩ hải quân chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.
Theo báo Phú Thọ