Ngoại giao văn hóa góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
Khái niệm “ngoại giao văn hóa” (cultural diplomacy) ngày càng được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong quan hệ quốc tế. Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO của Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra định nghĩa: “Ngoại giao văn hóa là một hoạt động đối ngoại, được nhà nước tổ chức, ủng hộ hoặc bảo trợ. Hoạt động này được triển khai trong một thời gian nhất định nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, đối ngoại xác định, bằng các hình thức văn hóa như: nghệ thuật, lịch sử, tư tưởng, truyền thống, ẩm thực, phim, ấn phẩm, văn học”(Bộ Ngoại giao: Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.18)

Hát Xoan Phú Thọ
Từ sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng năm 1975, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước năm 1986, chúng ta đã nỗ lực xây dựng đất nước, thay đổi nhận thức của thế giới về Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thông điệp quốc gia, thể hiện những giá trị cốt lõi của đất nước trong sự chuyển động không ngừng của thế giới.
Thương hiệu của một quốc gia thường được nhìn nhận ở sáu khía cạnh nổi bật: Dân số/con người; văn hóa; du lịch; xuất khẩu; sự minh bạch trong quản trị của chính phủ; sự hấp dẫn về đầu tư và nhập cư. (Theo Marco Casanova - người sáng lập Tổ chức tư vấn toàn cầu về Thương hiệu quốc gia và định vị thương hiệu)
Về con người, Việt Nam có nguồn lực lao động trẻ, đang từng bước hoàn thiện tri thức với chuyên môn kỹ thuật cao, ngoại ngữ thành thạo, tự tin tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về du lịch, Việt Nam có nhiều kỳ quan thiên nhiên với đường bờ biển trải dài từ Nam ra Bắc, nhiều bãi biển được xếp hạng đẹp nhất hành tinh là những điểm đến yêu thích của bạn bè quốc tế.
Về văn hóa, Việt Nam có nền văn hóa truyền thống lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Cho đến nay, Việt Nam đã vận động UNESCO công nhận: 2 di sản thiên nhiên (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng); 5 di sản văn hóa (quần thể di tích Cố đô Huế, Đô thị Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ); 1 di sản hỗn hợp (Quần thể danh thắng Tràng An); 13 di sản văn hóa phi vật thể (Hát Xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hát ca trù,...); 6 di sản tư liệu (Bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê và Mạc, Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản Kinh phật Thiền phái Trúc Lâm - Chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang); 2 công viên địa chất toàn cầu (cao nguyên đá Đồng Văn, Đăk Nông); 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới (Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng). Tất cả những di sản với nhiều đặc sắc riêng có của Việt Nam đều là nguồn cảm hứng, khát khao khám phá của thế giới, góp phần quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và thế giới..
Về xuất khẩu, Việt Nam đã có những sản phẩm mang thương hiệu hàng đầu thế giới (như cà phê, gạo, những sản phẩm truyền thống địa phương, vùng, miền có chất lượng cao). Thật tự hào khi những sản phẩm “made in VietNam”, những trái cây dân dã của Việt Nam được bày bán với giá cao tại các siêu thị nước ngoài.
Về yếu tố quản trị của chính phủ, đây trở thành một điểm nhấn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đặc biệt khi Chính phủ Việt Nam chỉ đạo thành công công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như công tác “ngoại giao vắc-xin”.
Chính những yếu tố nền tảng kể trên đang đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư, du lịch khám phá văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên... trong thời gian tới. Con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất để truyền tải thông điệp về một Việt Nam hòa bình, ổn định, an toàn, thân thiện và đáng sống tới cộng đồng quốc tế và thế giới chính là thông qua “ngoại giao văn hóa”. Ngược lại, thông điệp quốc gia cũng cần tái khẳng định việc bảo vệ bản sắc văn hóa, bảo tồn di sản và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Khi ấy, cái tên Việt Nam sẽ trở thành một thương hiệu gần gũi và tin cậy của, để dải đất hình chữ S có phần khiêm tốn trên bản đồ thế giới lại là miền đất được cộng đồng quốc tế nhắc nhớ và tìm tới nhiều nhất./.
Đỗ Anh Ngọc