1. Giai đoạn 1945-1946
Đây là thời kỳ khó khăn của đất nước nói chung và Ngoại giao Việt Nam nói riêng. Nhà nước độc lập non trẻ đứng trước vô vàn thử thách, có thể nói trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Ngoại giao Việt Nam đã thực hiện những sách lược hết sức đúng đắn, khôn khéo, vừa kiên quyết vừa linh hoạt; lúc hòa với Tưởng, tập trung sức chống Pháp xâm lược ở miền Nam, rồi hòa với Pháp với việc ký kết Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 để đuổi quân Tưởng về nước, góp phần giữ vững nhà nước độc lập non trẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước 14/9 tại Paris.
2. Giai đoạn 1947-1954
Ngoại giao phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược; phối hợp với chiến trường, đấu tranh chính trị, chủ động chiến khai hoạt động quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, đặc biệt là hình thành liên minh chiến đấu với Lào, Campuchia chống kẻ thù chung; xây dựng quan hệ với Thái Lan, Miến Điện, Inđonesia, Ấn độ... Tranh thủ thuận lợi từ thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, ngoại giao đã thành công trong việc thúc đẩy thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Đầu năm 1950, lần đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở châu Á, Đông Âu. Các nước Xã hội chủ nghĩa đã trở thành chỗ dựa quan trọng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phối hợp với mặt trận quân sự, Việt Nam đã tham gia hội nghị Geneva 1954 về Đông Dương, buộc các nước lớn công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương, giải phóng miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh
Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, tháng 7/1954.
3. Giai đoạn 1954-1975
Ngoại giao phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược: Kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc. Ngoại giao đã trở thành mặt trận, đánh vào hậu phương quốc tế của đế quốc Mỹ, mở rộng hậu phương quốc tế của Việt Nam, hình thành mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn mà nòng cốt là Liên Xô, Trung quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước Đông Dương ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước.
Đồng thời, ngoại giao đã phối hợp với chiến trường, đấu tranh chính trị, tiến hành đàm phám và và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973). Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn của Ngoại giao Việt Nam, đã buộc Mỹ và các nước liên quan rút quân khỏi Việt Nam, chấm dứt hoạt động chiến tranh, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
4. Giai đoạn 1975-1986
Đây là thời kỳ ngoại giao phục vụ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh và bảo vệ Tổ quốc. Những năm đầu sau chiến tranh, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hàng chục nước, nhất là các nước tư bản chủ nghĩa, tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất của nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế nhằm khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Việt Nam gia nhập Liên Hiệp quốc (tháng 9/1977), tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế ( tháng 6/1978), ký Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô (tháng 11/1978).
Tuy nhiên, thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước không dài, Việt Nam buộc phải đưa quân vào Campuchia, giúp nhân dân Campuchia đập tan chế độ diệt chủng và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, khôi phục lại tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Đông Dương. Đó là cái cớ Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam (tháng 2/1979) và việc Trung quốc, các nước phương Tây, ASEAN bao vây, cô lập, cấm vận Việt Nam.
5. Giai đoạn 1986 đến nay
Với Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, Việt Nam đã khởi đầu công cuộc đổi mới toàn diện, trong đó có đường lối, chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao. Lợi khí cao nhất của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn này là “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế xã hội”. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (tháng 5/1988) đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam, góp phần tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, phá được thế bao vây cấm vận và không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa dạng hoa và đa phương hóa, bình thường hóa và từng bước xác lập khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài với tất cả các nước lớn.
Việt Nam tiếp tục trở thành thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế như Tổ chức Pháp ngữ (1986). ASEAN (1995), Diễn đàn hợp tác Á - Âu ASEM (1996), Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương APEC (1998), Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (tháng 11/2016) và đang tích cực chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TFP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC; dự kiến tháng 12/2015); tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp cao các tổ chức quốc tế tại Hà Nội; giải quyết ổn thỏa nhiều tranh chấp trên biên giới, lãnh thổ, biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình; chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, tranh thủ ODA, FDI, mở rộng thị trường ngoài nước; tăng cường ngoại giao đa phương.
Cùng với hai trụ cột Ngoại giao chính trị và Ngoại giao kinh tế, Ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh, tiếp tục nỗ lực trong thời kỳ trước. Bộ Ngoại giao đã tích cực hỗ trợ các ngành, các địa phương xây dựng hồ sơ, vận động và trình UNESCO công nhận nhiều công trình văn hóa của Việt Nam là di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần được giữ gìn và bảo tồn. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân được coi trọng và đạt nhiều thành tích trong công việc, vận động kiều bào hướng về quê hương, đất nước.
Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam