Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Ba đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050
PhuthoPortal - Ngày 24/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 2259/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Ba đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/25.000. Theo đó, Thanh Ba được xác định là khu vực vùng kinh tế tổng hợp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch văn hóa, nông nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp dịch vụ, trong tương lai trở thành khu vực trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc của tỉnh và vùng phụ cận.
Một góc huyện Thanh Ba nhìn từ trên cao xuống
Mô hình cấu trúc 1 trọng tâm, 4 trục hành lang và 3 phân vùng phát triển
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Ba được lập trên phạm vi toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện là 19.465,35ha (194,65km2), định hướng phát triển theo mô hình cấu trúc gồm 1 trọng tâm (đô thị Thanh Ba phát triển mở rộng thành vùng lõi đô thị hóa huyện Thanh Ba); 4 trục hành lang phát triển và 3 phân vùng phát triển.
Trong đó, các trục hành lang phát triển gồm: Trục chính trung tâm liên kết kinh tế theo hướng Bắc - Nam ĐT314, đường mở rộng thị trấn Thanh Ba và ĐT 320C; Trục hành lang kinh tế QL 2D Ven sông Hồng; Trục hành lang kinh tế Đông Tây ĐT314B, ĐT314C; Trục hành lang kinh tế Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Không gian huyện được chia thành 3 phân vùng phát triển: Vùng 1 (Vùng phía Nam), phạm vi bao gồm 4 xã: Lương Lỗ, Đỗ Sơn, Đỗ Xuyên, Thanh Hà, với tổng diện tích đất tự nhiên là 2.645ha. Vùng I được xác định là vùng đặc thù, bảo vệ đất lúa nghiêm ngặt; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản, trồng rau sạch, lúa cao sản, chất lượng cao. Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống. Kết hợp du lịch nông nghiệp công nghệ cao + Làng nghề truyền thống gắn với du lịch trải nghiệm cộng đồng.
Vùng 2 (Vùng Trung tâm) gồm các xã ven sông và vùng trung du, gồm 1 thị trấn (thị trấn Thanh Ba) và 9 xã (Mạn Lạn, Hoàng Cương, Chí Tiên, Sơn Cương, Võ Lao, Ninh Dân, Đông Thành, Hanh Cù, Đồng Xuân) với tổng diện tích đất tự nhiên là 10.735ha. Định hướng phát triển đô thị dịch vụ và công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến. Về nông nghiệp: Bảo vệ đất lúa, phát triển nông nghiệp hàng hóa (trồng cây đất bãi và nuôi trồng thủy sản), trồng cây ăn quả. Kết hợp du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, tín ngưỡng. Thị trấn Thanh Ba là trung tâm tiểu vùng, đồng thời là trung tâm hành chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, thể dục thể thao, đào tạo, y tế của huyện.
Vùng 3 (Vùng phía Đông Bắc) là vùng núi, phạm vi bao gồm 5 xã: Đông Lĩnh, Vân Lĩnh, Đại An, Khải Xuân, Quảng Yên, với tổng diện tích đất tự nhiên là 6.086ha. Định hướng phát triển công nghiệp chế biến chế tạo; trồng cây công nghiệp; chăn nuôi gia súc. Xã Đại An là trung tâm tiểu vùng.
Quy hoạch đã định hướng cụ thể về phát triển đô thị - dân cư nông thôn; phát triển công nghiệp; phát triển nông - lâm - ngư nghiệp; phát triển du lịch; khu vực an ninh quốc phòng; phát triển hệ thống công trình hạ tầng xã hội; các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng huyện.
Đảm bảo lộ trình triển khai thực hiện
Mục tiêu của Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Ba đề ra nhằm phát huy thế mạnh về vị trí chiến lược của huyện, các tiềm năng về công nghiệp, thương mại dịch vụ du lịch, văn hóa, sinh thái và cảnh quan để tạo ra bước tăng trưởng kinh tế, nâng cao vai trò vị thế của huyện trong vùng tỉnh Phú Thọ. Xây dựng thị trấn Thanh Ba đạt tiêu chí đô thị loại IV. Hoàn thành mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025 và xây dựng Thanh Ba giàu mạnh, văn minh, phấn đấu nằm trong tốp dẫn đầu khối huyện của toàn tỉnh.
Quy hoạch cũng đề ra lộ trình triển khai thực hiện cụ thể. Giai đoạn đến năm 2030: Rà soát, lập kế hoạch, lộ trình, xác định danh mục ưu tiên các công trình, dự án đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đồng thời triển khai đầu tư xây dựng các công trình có tính cấp bách, thích ứng với môi trường, khí hậu và có tính đột phá. Từng bước xây dựng mô hình điểm về vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu trong vùng tiến tới xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch. Phát triển hệ thống hạ tầng khung và các dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.
Giai đoạn đến năm 2035: Phát triển các dự án về hạ tầng, kinh tế, xã hội theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái. Hoàn chỉnh chiến lược phát triển hướng tới sự gắn kết, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn.
Tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Đảm bảo ổn định các nguyên tắc phát triển thân thiện với môi trường sinh thái.
UBND tỉnh giao UBND huyện Thanh Ba tổ chức công bố, công khai thông tin và nội dung đồ án quy hoạch được duyệt để toàn bộ các tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân biết, thực hiện.
Chi tiết xem tài liệu đính kèm
Nguồn: PhuthoPortal