Phú Thọ là mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, có bề dày lịch sử trên 4.000 năm. Trong tiến trình lịch sử phát triển, Việt Trì từng là Kinh đô Văn Lang xưa, là trung tâm kinh tế, chính trị và xã hội suốt một thời gian dài. Điều đó đã cho thấy vị trí thuận lợi cũng như tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của Việt Trì nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung đối với nhiều địa phương khác trong vùng Bắc bộ. Ngày nay, tỉnh Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm của khu vực miền núi, trung du phía Bắc, nơi giao thoa giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc. Nằm ở vị trí “ngã ba sông” cửa ngõ phía Tây Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 80km, sân bay Nội Bài 50 km, cửa khẩu Lào Cai, cửa khẩu Thanh Thủy hơn 200 km, cảng Hải Phòng 170 km và cảng Cái Lân 200 km. Như vậy có thể coi Phú Thọ là cầu nối giữa các tỉnh vùng Tây - Đông Bắc với cả nước và quốc tế.
|
Lao động kỹ thuật cao tại Công ty Cổ phần công nghệ Cosmos (Khu công nghiệp Thụy Vân) . Ảnh: ĐINH XUÂN |
Phú Thọ cũng hội tụ một hệ thống giao thông khá thuận tiện gồm: Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai đang mở rộng thành tuyến liên vận quốc tế, đường thủy với các tuyến trên sông Hồng, sông Lô, sông Đà. Trên địa bàn tỉnh còn có Quốc lộ 2 đi Tuyên Quang, Hà Giang sang Vân Nam (Trung Quốc), quốc lộ 70 đi Yên Bái, Lào Cai sang Vân Nam (Trung Quốc), quốc lộ 32 đi Yên Bái, Sơn La, cùng với các tỉnh bạn trong cả nước và quốc tế. Đặc biệt từ năm 2014, cao tốc Hà Nội - Phú Thọ - Lào Cai được thông tuyến đã mở rộng cánh cửa hội nhập, nối liền Phú Thọ với hành lang kinh tế quốc tế Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh với nhiều điểm giao kết trung chuyển trong hành trình xuyên Á.
Trong thời gian qua kinh tế Phú Thọ phát triển khá, cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, kết cấu hạ tầng có bước phát triển, luôn đứng đầu về thu hút đầu tư của các tỉnh khu vực Tây Bắc Việt Nam, thu ngân sách tăng 1,34 lần so với năm 2010, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn ổn định. Đến hết tháng 10 năm 2015, toàn tỉnh đã thu hút 458 dự án, trong đó có 111 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 603.3 triệu USD và 347 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 34 nghìn tỷ đồng Việt Nam.
Với lợi thế có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng, trong đó một số loại có thể khai thác quy mô công nghiệp như: Đá nguyên liệu sản xuất xi măng, sắt, cao lanh, fenspat, đất sét, nước khoáng nóng... Quỹ đất nông lâm nghiệp trên địa bàn cũng còn khá lớn, không thuộc đất an ninh lương thực, trong khi số dự án đầu tư chưa nhiều. Tỉnh còn có 56.000 ha rừng tự nhiên và 60.000 ha rừng trồng, là vùng nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến nông lâm sản như giấy, chè,... Phú Thọ còn đóng vai trò trung tâm văn hóa xã hội và nhân văn của cả nước đó là Đất Tổ - Hùng Vương nên có thể phát triển nhiều loại hình du lịch. Nhiều địa danh, sản phẩm như Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Lễ hội Đền Hùng, Bạch Hạc, Hát Xoan..., với 1.372 di tích văn hóa, lịch sử và các địa điểm liên quan đến di tích là điều kiện thuận lợi đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Ngoài ra, Phú Thọ còn khoảng 800.000 lao động trong độ tuổi, trong đó có trên 33,5% đã qua đào tạo, có thể đáp ứng nhu cầu cho nhiều dự án công nghiệp, dịch vụ. Trong Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định Phú Thọ là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của vùng. Điều này cũng tạo điều kiện để tỉnh được quan tâm đầu tư các nguồn lực xây dựng hạ tầng, y tế, giáo dục đào tạo, xóa đói giảm nghèo,... thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
|
Thi công đường Thụy Vân - Thanh Đình tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian nội thành thành phố Việt Trì. Ảnh: HẢI ANH |
Có lợi thế về vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, có quỹ đất dồi dào để phát triển kinh tế, Phú Thọ luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư; tập trung giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu, cụm công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển khu đô thị, dịch vụ, du lịch; giải quyết kịp thời kiến nghị và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp... Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Tỉnh Phú Thọ mong muốn mời gọi các nhà đầu tư vào đầu tư tất cả các lĩnh vực theo hướng tiêu thụ ít năng lượng, đảm bảo môi trường. Trong đó đặc biệt khuyến khích, thu hút các dự án: Kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, cơ khí lắp ráp, cơ khí nông nghiệp, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may cao cấp, đồ uống, các dự án nông nghiệp áp dụng công nghệ cao có quy mô lớn, công nghệ hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát triển các dịch vụ giao thông, vận tải logictics, khu du lịch, vui chơi nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm thương mại, siêu thị, sản xuất thuốc tân dược, dịch vụ giáo dục và đào tạo, dịch vụ y tế chất lượng cao...
Trên con đường hội nhập và phát triển, tỉnh Phú Thọ luôn trân trọng vai trò của các doanh nghiệp. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh; không ngừng cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chủ động xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đặc thù đối với các dự án lớn, có tác động tích cực cho kinh tế - xã hội của tỉnh. Mọi dự án khi triển khai trên địa bàn tỉnh đều được thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông”, đảm bảo tiết kiệm thời gian - chi phí và luôn được hỗ trợ kịp thời. Thành công của nhà đầu tư trên quê hương Đất Tổ chính là thành công của tỉnh Phú Thọ. Đối với người Việt Nam đầu tư vào Phú Thọ cũng chính là thể hiện tình cảm “Cả nước hướng về Đền Hùng về Đất Tổ”, xây dựng mảnh đất cội nguồn các dân tộc Việt Nam trở thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước.
Bùi Minh Châu
|