Quan điểm nhất quán về Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN
Biển Đông là một trong những nội dung được ASEAN và các nước đối tác quan tâm thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 38, 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 26-28/10 vừa qua.
|
Vấn đề Biển Đông được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16 ngày 27/10. (Nguồn: TTXVN) |
Thể hiện bản lĩnh và vai trò tự chủ
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 sáng 26/10, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, suy giảm lòng tin, huỷ hại môi trường biển.
Các lãnh đạo ASEAN cũng tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các nước nhấn mạnh lập trường về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hội nghị cũng khẳng định lại tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các nước nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC và tiếp tục nỗ lực hướng tới COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ASEAN cần thể hiện bản lĩnh và vai trò tự chủ trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.
Khẳng định kiên trì lập trường nguyên tắc về Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh các nước cần thúc đẩy mạnh mẽ cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử trách nhiệm, kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các nước cần thúc đẩy sớm hoàn thành COC với nỗ lực cao nhất của các bên, phấn đấu cùng Trung Quốc đạt Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS. UNCLOS chính là khuôn khổ điều chỉnh các hành vi, hoạt động trên biển và đại dương.
Các đối tác ủng hộ lập trường của ASEAN
Các đối tác của ASEAN, đặc biệt là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia trong khuôn khổ kỳ Hội nghị cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh sẽ sát cánh với các quốc gia trong khu vực, bảo đảm tự do hàng hải. Tại hội nghị cấp cao ASEAN-Australia, hai bên đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cho thấy Canberra muốn đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực. Thủ tướng Australia Scott Morrison nhận định thỏa thuận nâng cấp quan hệ này sẽ giúp tăng cường quan hệ ngoại giao và an ninh giữa Australia và ASEAN.
Mỹ và Australia đều ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ cũng đề cập những vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan ngại, trong đó có vấn đề Biển Đông và chủ nghĩa khủng bố.
Hai bên đều ghi nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực thông qua nhiều biện pháp, trong đó có việc duy trì tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Các nhà lãnh đạo của ASEAN và Ấn Độ khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh ở Biển Đông, cũng như đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16, các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Ấn Độ cũng như các cường quốc có cùng chí hướng khác đều theo đuổi những nguyên tắc tự do hàng hải và sự cần thiết của việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tại Hội nghị EAS, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm.
Sau Hội nghị EAS, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định trước báo giới rằng, ông đã thể hiện quan điểm và lập trường cứng rắn của Tokyo về vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Thủ tướng Nhật Bản ủng hộ quan điểm và lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông, hoan nghênh vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực. Ông cũng kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC và sớm hoàn thành COC.
|
Hải quân và Cảnh sát Biển Mỹ thực hiện nhiều hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông thời gian gần đây. (Ảnh: QT) |
Hoạt động an ninh hàng hải "tuân thủ luật pháp quốc tế"
Ngay sau kỳ Hội nghị cấp cao ASEAN, một bài viết trên tờ Economic Times ngày 29/10 đã chỉ ra rằng không chỉ dừng lại ở các tuyên bố, trên thực tế, thời quan qua, nhiều nước như Mỹ và Nhật Bản đã thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Nổi bật, tàu khu trục trực thăng lớp Izumo JS Kaga của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và nhóm tác chiến tàu sân bay thứ nhất của Hải quân Mỹ đang tiến hành các hoạt động song phương ở Biển Đông lần đầu tiên kể từ khi nhóm tác chiến tàu sân bay Vinson của Mỹ được triển khai hoạt động mùa Hè 2021.
Tuyên bố gần đây của Hải quân Mỹ có đoạn: “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực năng động và bằng cách tiếp tục tiến hành các hoạt động thường xuyên với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trên khắp các vùng biển và không phận quốc tế, chúng tôi thể hiện cam kết kiên định của mình trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trên biển và trên không và đảm bảo tất cả các quốc gia có thể làm điều tương tự mà không lo sợ hoặc đối đầu".
Chuẩn đô đốc Ikeuchi Izuru của Nhật Bản cho rằng, thông qua những cuộc tập trận quy mô lớn, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có thể nâng cao khả năng chiến thuật, cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác với hải quân các nước tham gia.
Quan chức hải quân này khẳng định: “Các hoạt động của chúng tôi ở Biển Đông và Ấn Độ Dương cho thấy sự thống nhất và ý chí mạnh mẽ của chúng tôi để hiện thực hóa một 'Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở' dựa trên luật lệ".
Những hoạt động tự do hàng hải đang được thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh tự công bố luật hàng hải mới của nước này. Từ ngày 1/9, Trung Quốc áp dụng những quy định hàng hải mới của mình nhằm kiểm soát hoạt động qua lại của tàu thuyền nước ngoài trong khu vực mà Bắc Kinh gọi là “lãnh hải của Trung Quốc”. Động thái này được cho là sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với những hoạt động qua lại của tàu thuyền, cả tàu thuyền thương mại và quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trên thực tế, ngày 19/10, trên trang web của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đăng tải thông báo cho hay, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật trừng phạt liên quan Biển Đông và biển Hoa Đông (S.1657). Đạo luật quy định việc áp đặt trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền trái pháp luật về hàng hải và lãnh thổ đối với Biển Đông và biển Hoa Đông, bao gồm các hoạt động quân sự hóa.
Theo Thượng nghị sĩ Marco Rubio, việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua dự luật "là một bước quan trọng đầu tiên", đồng thời kêu gọi toàn thể Thượng viện "nhanh chóng thông qua đạo luật này".
Mỹ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông,đồng thời hung hăng mở rộng những tuyên bố chủ quyền sâu rộng mà Mỹ cho rằng không tuân thủ luật pháp quốc tế.