“Thấy lớp, thấy trẻ là thấy niềm vui”
Đó là lời cô Nguyễn Thị Liên, hiện đang sinh sống tại Malaysia. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, cô Liên giảng dạy trong nước một thời gian rồi chuyển sang Malaysia dạy tiếng Việt. Cô bảo ở nước ngoài, nghe tin tức về biển đảo quê hương nơi đầu sóng ngọn gió, cô mong một ngày được đặt chân tới Trường Sa. Và thật may mắn, tháng 4/2018, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã giúp cô thực hiện ước mơ.
Liên đã rưng rưng xúc động khi lần đầu tiên dự Lễ chào cờ trên đảo, nghe 10 lời thề danh dự của những người lính biển. Trời biển Trường Sa là trải nghiệm không quên với những người lần đầu đến thăm. Nhưng với Liên, nhớ nhất là giọng đọc non nớt của con trẻ trên đảo Song Tử Tây: “Sinh ra ở Trường Sa/ em là con của biển/ Những chuyến tàu ra khơi/ mang hơi ấm đất liền”. Liên bảo bản thân cô là giáo viên, cứ nhìn thấy trẻ là máu nghề nghiệp lại nóng lên. Dưới bóng cây phong ba, bão táp, thấy có lớp học, có học sinh, cô như thấy không khí thân thuộc của đất liền, thấy một cuộc sống vững bền trên biển đảo.
Trường tiểu học trên đảo Sinh Tồn chỉ có một lớp với 9 học sinh: 3 cháu mầm non, 3 cháu lớp một, 2 cháu lớp bốn và 1 cháu lớp năm. Một lớp học có mấy giáo án. Nhóm này đánh vần, nhóm kia làm toán. Lần đầu tiên trong đời, cô giáo Nguyễn Thị Liên thăm một lớp ghép như thế, chia sẻ khó khăn và cảm phục nghị lực, phương pháp của các đồng nghiệp đang dạy học trên các đảo xa. Động cơ nào đã khiến đồng nghiệp của cô trụ vững nơi đây, Liên băn khoăn muốn tìm câu trả lời.
“Đi để mà biết sống”
Người thày giáo duy nhất của trường tiểu học Sinh Tồn là Nguyễn Ngọc Hạ. Không biết cái tên Hạ cha mẹ đặt có liên quan gì đến môi trường quanh năm nắng cháy này, chỉ biết anh đã tình nguyện dạy học ở đây được 5 năm. Hạ đã trải nghiệm nỗi khát mưa trong bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Có năm hạn hán như 2016, tiêu chuẩn cho mỗi người trên đảo chỉ có 2 lít nước ngọt/ngày. Vì sao anh chọn tình nguyện, Hạ trả lời không một chút ngập ngừng: “Tuổi trẻ mình phải đi. Đi để mà biết sống. Đi để mà cống hiến”. Hạ nói thêm, ra đây mới biết, so với bao chiến sỹ hải quân đêm ngày canh giữ biển trời, công việc của mình còn quá nhỏ bé.
Thế còn vợ con anh thì sao? “Vợ chồng thì phải có niềm tin với nhau. Trước hết mình phải thuyết phục gia đình, xác định tư tưởng vững vàng. Vợ mình động viên chồng hãy yên tâm công tác. Mình rất thương và cảm phục vợ”.
Còn một lý do để Hạ gắn bó với đảo, ấy là tình thương học trò nơi đây, tuổi tuy nhỏ mà các em đã khá chín chắn. Học sinh trên đảo sống rất nền nếp vì được luyện rèn trong nắng gió, được sinh hoạt và học tập trong môi trường có các chú bộ đội kiên cường. Không có nhiều tác động của môi trường như ở đất liền nên các em rất tập trung học tập. Trong phương pháp giảng dạy của mình, Hạ luôn liên hệ với thực tiễn cuộc sống xung quanh. Những bài học về tình yêu biển đảo quê hương, Hạ đã nhóm lên trong tâm hồn các em, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Hết cấp tiểu học, học trò vào đất liền học trung học cơ sở rồi học lên nữa. Hạ vẫn nghe ngóng, theo dõi học trò của mình hòa nhập trong đất liền ra sao. Anh rất vui khi biết có cháu đang học tập rất triển vọng tại Tp Hồ Chí Minh. Khi trở về đất liền, anh chắc chắn sẽ kể với học sinh về sự vượt khó ham học của các bạn ngoài đảo xa. Hạ sẽ bắc nhịp cầu giữa học trò biển đảo và đất liền qua những vần thơ các em nhắn nhủ: Các bạn đất liền ơi/ một lần ra đảo nhé/ tự hào em sẽ kể/ quê em ở Trường Sa.
Triệu trái tim một nhịp đập Trường Sa
“Một trò, một thày, một cuốn sách và một cây bút có thể thay đổi được thế giới” - câu nói nổi tiếng này của Malala, một nữ sinh tại Pakistan đã truyền cảm hứng cho nhân loại. Các cô giáo lớp tiếng Việt Hoa Ban tại Berlin (Cộng hòa Liên bang Đức) chưa nghĩ đến chuyện cao xa, nhưng biết rất rõ việc truyền cảm hứng có khi còn quan trọng hơn truyền thụ kiến thức. Vì vậy, cùng với tặng tủ sách, tặng xe đạp cho trường, các cô còn tặng mỗi em nhỏ một hộp bút màu vì biết em nhỏ nào cũng thích tô, thích vẽ. Từ thích học mới chăm học, chăm học mới học giỏi.
Có góp sức của kiều bào, dù nhỏ nhất như một cây bút cho một học sinh cũng ấm lòng người đảo xa. Trong nước đã có phong trào “góp đá xây Trường Sa” được hưởng ứng rộng khắp. Việt Nam ta xây kè để giữ nước ngọt, tôn tạo nhưng không làm biến dạng các đảo chìm. Theo PGS, TS. Đỗ Minh Thái- Chuẩn đô đốc, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, mấy triệu kiều bào ta trên thế giới, nếu mỗi người chỉ góp 1 cent (1dollar = 100 cent) thì sẽ xây được 1 nhà đa năng có thể dự trữ 200 mét khối nước ngọt trên đảo, giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho quân dân Trường Sa.
1 cây bút cho mỗi học sinh hay 1 cent mỗi kiều bào gửi về biển đảo vì thế không phải là câu chuyện số lượng. Đó là tấm lòng với một phần máu thịt của Tổ quốc ở Trường Sa. Thêm một kiều bào là thêm một tiếng nói, thêm một tấm lòng hướng về biển đảo. Cũng như có một thày giáo tình nguyện như Nguyễn Ngọc Hạ là có một lớp học. Có thày, có trò, có quân, có dân, chúng ta có đầy đủ chủ quyền và niềm tin giữ vững chủ quyền Tổ quốc trên trời biển Trường Sa.
Khi con tàu kiểm ngư 491 hú ba hồi còi chào tạm biệt quần đảo thân thương của Tổ quốc, niềm tin ấy còn theo mãi kiều bào khắp bốn biển năm châu.
Dư Hồng Quảng