Rời Việt Nam sang Nam Ninh (Trung Quốc) làm thuê cùng lời hứa được trả lương cao là khởi đầu cho hành trình đến “miền đất hứa” của rất nhiều thanh niên tại các miền núi phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc. Và, hồi kết trong hành trình của đa số họ chính là bị chủ thuê tận thu sức lao động với đồng lương rẻ mạt, hoặc bị quỵt tiền lương, đối xử tàn tệ, thậm chí đánh đập, đến mức phải bỏ trốn nơi đất khách quê người trong cảnh mù tiếng bản địa và trong túi chỉ có vài đồng bạc lẻ.
Câu chuyện của hai thanh niên Lâm Văn T (sinh năm 1993) và Nguyễn Văn L (sinh năm 1996), người dân tộc Tày, quê ở huyện Bắc Mê và huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang vừa thoát chết, trở về đoàn tụ gia đình cũng không phải là một ngoại lệ.
“Món hàng” nơi đất khách
Giữa tháng Tư vừa qua, Lâm Văn T và Nguyễn Văn L được một số người Việt Nam tại địa phương rủ sang Trung Quốc làm thuê. Những người này hứa hẹn rằng sang đó làm việc, T và L sẽ được trả lương cao. Vốn thật thà, cả tin, lại gặp lúc gia cảnh túng bấn, T và L đồng ý với với hy vọng, sau một thời gian sẽ dành dụm được chút tiền giúp đỡ gia đình.
Một người địa phương đã đưa T và L đi theo con đường mòn dẫn tới biên giới Việt - Trung. Sau khi sang đến đất bạn, người này giao T và L cho một người Trung Quốc và nhận một khoản tiền lớn. Lúc này, cả hai thanh niên trẻ chất phác đều không mảy may nghi ngờ mình đã bị người quen bán đứng mà vẫn tin tưởng đi theo người Trung Quốc kia để đến nơi làm thuê như đã được hứa hẹn.
Ngay sau đó, người Trung Quốc đưa T và L lên xe khách, chạy một mạch gần 3 ngày 3 đêm vào sâu trong nội địa nước bạn. Cuối cùng, cả 3 cũng đến nơi làm việc của T và L. Đó là một xưởng gạch ở khu vực hẻo lánh trên đất Trung Quốc.
Kể từ đó, hai thanh niên nhẹ dạ bắt đầu chuỗi ngày tháng làm việc vô cùng nặng nhọc, vất vả, trong điều kiện sinh hoạt, ăn uống thiếu thốn, kham khổ và thường xuyên phải làm ca đêm. Tệ hơn, “mức lương cao” mà người quen ở địa phương giới thiệu đâu chẳng thấy, T và L chỉ được chủ thuê trả 100-150 Nhân dân tệ/tháng (khoảng 350-500 ngàn đồng). Chỉ trong 4 tháng, hai thanh niên đã bị chuyển qua tay tới 3 chủ thuê. Công việc của hai anh vẫn tại các lò gạch, với điều kiện ăn ở tồi tệ và mức lương bèo bọt tương tự. Sức khỏe hai thanh niên đang ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ngày càng giảm sút.
Thoát khỏi “địa ngục”
Đến lúc này mới hay mình đã bị lừa, T và L quyết định bỏ trốn. Không giấy tờ, trong túi chỉ có khoảng 100 Nhân dân tệ, không biết tiếng bản địa, cũng không rõ địa điểm mình đang ở là đâu, hai thanh niên đã phải đi bộ, băng rừng gần chục ngày trời. Qua nhiều khu dân cư, đói khát và hết tiền, hai anh được một số người bản địa tốt bụng cho ăn và chỉ tới đồn công an sở tại.
Tại đây, T và L được công an địa phương cho 400 Nhân dân tệ - vừa đủ để mua vé xe khách tới Nam Ninh. Xe chạy hết gần 1 ngày 1 đêm. Theo chỉ dẫn ghi trên tờ giấy do công an Trung Quốc cấp và được người địa phương hướng dẫn, cuối cùng, T và L đã tìm đến được trụ sở của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh.
Một cán bộ Tổng Lãnh sự quán kể lại: “Sáng 3/9, ngày đầu tiên đi làm sau ngày lễ Quốc khánh 2/9, ngay trước trụ sở làm việc, chúng tôi thấy có hai thanh niên trong bộ dạng tả tơi, đói lả và kiệt sức. Chỉ cần nhìn qua chúng tôi đã biết ngay sự tình vì ở đây, chuyện này xảy ra rất thường xuyên”.
Sau khi được các cán bộ Tổng Lãnh sự quán tiếp tế đồ ăn, nghỉ ngơi, tắm rửa, T và L đã phần nào hồi sức. Lúc này, hai thanh niên người dân tộc Tày mới kể lại hành trình bị lừa rồi bỏ trốn của mình và cho biết, đã 2 ngày qua, họ không có gì bỏ vào bụng, chỉ uống nước cầm hơi, không giấy tờ, tiền bạc.
Tổng Lãnh sự quán đã xác minh thông tin và nhanh chóng hoàn tất thủ tục bảo hộ công dân, thu xếp phương tiện và giấy tờ đưa T và L về nước vào sáng 7/9. Tối 9/9, gia đình T và L đã gọi điện sang Tổng Lãnh sự quán, thông báo hai công dân này đã về đến nhà an toàn, trong niềm hân hoan của cả gia đình.
Theo đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, T và L chỉ là hai trong rất nhiều nạn nhân người Việt bị lừa sang Trung Quốc lao động và bị bóc lột sức lao động đến mức phải bỏ trốn. Hai thanh niên này rất may mắn vì đã được chính quyền, cũng như người dân sở tại giúp đỡ và tìm được đến cơ quan đại diện Việt Nam để được hỗ trợ kịp thời.
Cũng theo đại diện này, từ đầu năm 2015 đến nay, Tổng Lãnh sự quán đã chuyển về nước hồ sơ của hàng trăm trường hợp tương tự T và L để xác minh nhân thân và hỗ trợ cho các nạn nhân trở về Việt Nam an toàn.
Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam