Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành, thị chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với diễn biến tình hình, yêu cầu nhiệm vụ tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ và hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, nhu cầu cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin; triển khai và nâng cao hiệu quả các đường dây nóng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng Nhân dân.
Tăng cường kiểm tra, giám sát với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và lực lượng thực thi nhiệm vụ; giáo dục cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tiếp tay, bảo kê, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện nghiêm các quy định về đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong chính các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế...). Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; đồng thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khích lệ, động viên tinh thần, lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi, bám sát thị trường nhằm kịp thời phát hiện các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường; nhất là những mặt hàng thực phẩm, sữa, thuốc, thực phẩm chức năng, rượu…, đặc biệt chú trọng tại các kênh bán lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, xử lý toàn diện với các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành.
Rà soát, cập nhật thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối có các hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng… Phối hợp với các đơn vị chức năng kịp thời công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông để cảnh báo người tiêu dùng. Công bố số điện thoại đường dây nóng và trực điện thoại của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh để nắm bắt, phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời xử lý các tin báo, tố giác từ người dân và các tổ chức đoàn thể về hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường công tác hậu kiểm với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý (các sản phẩm rượu, sữa chế biến…). Lấy mẫu kiểm nghiệm (khi cần thiết), phối hợp với cơ quan y tế trên địa bàn để xác minh chất lượng thực phẩm trong các vụ việc có dấu hiệu gây ngộ độc; tăng cường hiệu quả công tác điều tra liên ngành nhằm phát hiện nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; kịp thời truy xuất, niêm phong, thu hồi và tiêu hủy đối với các sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các quy định còn sơ hở, bất cập trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đặc biệt trong lĩnh vực xác định xuất xứ hàng hóa, hàng không đảm bảo chất lượng… để tổng hợp, báo cáo đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tế. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung tại Văn bản này; kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền.
Công an tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ rà soát đối tượng, địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Thuế, Hải quan, Quản lý thị trường để tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo xuất xứ, hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, tập trung vào các nhóm mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân: Sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc…; đồng thời chủ động dự báo, sớm phát hiện và có biện pháp phòng chống kịp thời đối với các hành vi vi phạm. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thực hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm có quy mô lớn, nghiêm trọng.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh Phú Thọ, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Thực hiện công tác hậu kiểm về tự công bố sản phẩm/ đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm theo lĩnh vực quản lý (khi cần thiết) nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về sản xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng sản phẩm theo công bố...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa, kinh doanh và dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, trong đó cần chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phát ngôn, quảng cáo sai sự thật, đặc biệt đối với những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Các cơ quan báo chí của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nắm bắt tình hình, thông tin đầy đủ và chính xác về hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng quản lý thị trường. Tăng cường thông tin, truyền thông về tác hại của việc sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (rượu, sữa...), hàng hóa không đảm bảo chất lượng và cách nhận diện hàng thật; khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm không thực hiện công bố chất lượng sản phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không có thông tin truy xuất hợp lệ; đồng thời cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho người dân trong trường hợp phát hiện sản phẩm vi phạm.
Hải quan Phú Thọ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam đối với các loại hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc từ nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao cũng như các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Chi tiết xem tại: Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh