Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua các trang mạng xã hội
Tại văn bản số 286/BYT-QLD ngày 18/01/2023 của Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông phản ánh một số cơ sở sản xuất kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh một số người nổi tiếng, sử dụng các danh hiệu như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y, “thần y” để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt...
Trên các trang mạng xã hội, các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại Luật Dược số 105/2016/QH13.
Nhằm triển khai công văn nêu trên của Bộ Y tế và thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 226/UBND-KGVX ngày 31/01/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng xã hội; theo nội dung đề nghị phối hợp của Sở Y tế tại Văn bản số 272/SYT-NVD ngày 10/02/2023,
Nhằm ngăn chặn và phòng ngừa việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các trang mạng xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện các nội dung sau:
Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo; trọng tâm là quảng cáo trên môi trường mạng (bao gồm quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới); về một số quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, chỉ thực hiện sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Thực hiện rà soát toàn bộ hoạt động hợp tác quảng cáo (nếu có) trên báo điện tử, cổng/trang thông tin điện tử để xóa bỏ các quảng cáo vi phạm (nếu có); triển khai các biện pháp cần thiết để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, vị trí, ngôn ngữ quảng cáo, nhất là đường link quảng cáo đăng phát trên nền tảng của cơ quan, đơn vị; đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật khi hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu đăng quảng cáo trên môi trường mạng.
Đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong trường hợp cần xác định chủ thể, hành vi vi phạm để kịp thời xử lý các website, trang mạng xã hội thực hiện quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc, quảng cáo thuốc chưa được phép lưu hành, quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Sở Y tế phối hợp với các bộ phận chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông; các cơ quan báo chí, tuyên truyền cung cấp tài liệu, xây dựng các nội dung truyền thông cụ thể về tác hại của việc quảng cáo, buôn bán các sản phẩm có tác dụng như thuốc quảng cáo qua mạng xã hội gây nguy hại đến sức khỏe, thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng để tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
Đề nghị các cơ quan báo chí của tỉnh phối hợp Sở Y tế tăng cường truyền thông về tác hại của việc sử dụng thuốc, các sản phẩm có tác dụng như thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, được bán trôi nổi trên các website, các trang mạng xã hội để người dân biết, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
P.V