Các lực lượng và phương tiện được huy động để cứu và tìm kiếm người mất tích do vụ sập cầu Phong Châu
Do ảnh hưởng của bão số 3, các tỉnh miền núi phía Bắc và tỉnh Phú Thọ từ ngày 7/9/2024 đã có mưa rất to; mực nước các sông trên địa bàn tỉnh lên nhanh. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện phía thượng nguồn đang xả nước dồn dập (hồ Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy, Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt); dự báo mực nước trên các sông Thao, sông Lô vẫn tiếp tục lên. Mưa lũ đã gây ra nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, vào hồi 10 giờ 02 phút ngày 9/9/2024, nước lũ dâng cao, chảy xiết đã làm sập, trôi 2 nhịp cầu Phong Châu; nhiều đoạn đê xung yếu đã phải đắp con trạch bằng bao tải đất để chống tràn.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 10/9/2024, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn, các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ, nước sông trên báo động III, nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đối với sự cố sập nhịp cầu Phong Châu: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và UBND các huyện Tam Nông, Lâm Thao tiếp tục chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện để cứu người, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn và các biện pháp cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố. Bố trí lực lượng canh gác, cắm biển, rào tôn hộ lan cảnh báo khu vực nguy hiểm, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại, phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực.
UBND các huyện, thành, thị, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi và các cơ quan, đơn, vị liên quan tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; theo dõi chặt chẽ, sát sao diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các giải pháp để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.
Triển khai ngay các lực lượng rà soát kỹ lưỡng các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; căn cứ tình hình thực tế (đặc biệt là mực nước lũ trên các sông, ngòi lớn), tổ chức di dời, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm. Không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác; không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau mưa lũ, ngập lụt.
Tiếp tục rà soát, kịp thời phát hiện và triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng, nhất là công trình cầu giao thông, đê điều, hồ đập ở khu vực hai bên bờ sông Thao (hiện đang trên mức báo động III). Bố trí đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng triển khai phương án chống lũ, đảm bảo giao thông và đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải, Quân khu 2 và các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, triển khai lắp đặt cầu phao để đảm bảo giao thông tạm thời nhằm phục vụ đi lại của nhân dân. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị khẩn trương rà soát các cầu yếu trên địa bàn tỉnh, đề xuất phương án đảm bảo an toàn (phân luồng giao thông, hạn chế tải trọng, lưu lượng phương tiện trong thời gian cao điểm…). Trước mắt, cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu Trung Hà trên quốc lộ 32 trong thời gian nước lũ dâng cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai và tổng hợp, báo cáo theo quy định; kịp thời thông tin, cảnh báo thiên tai đến các địa phương và người dân để chủ động phòng tránh; đề xuất, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với các tình huống phát sinh.
Chi tiết xem tài liệu đính kèm
Nguồn: Cổng Giao tiếp