Thị xã Phú Thọ: 120 năm xây dựng và phát triển
Thị xã Phú Thọ được thành lập vào ngày 5/5/1903, khi Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định chuyển lỵ sở của tỉnh Hưng Hóa từ làng Trúc Phê, tổng Thượng Nông, huyện Tam Nông về làng Phú Thọ. Trong suốt 120 hình thành và phát triển, với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân thị xã cùng với sự giúp đỡ của tỉnh và Trung ương, thị xã Phú Thọ đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, luôn là lá cờ đầu, điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và xây dựng quê hương.

Một góc trung tâm thị xã Phú Thọ
Truyền thống vẻ vang
Theo các thư tịch cổ còn lưu giữ được, làng Phú Thọ xưa vốn là một làng Việt cổ thuần nông, dân cư thưa thớt, tập trung ở 3 khu vực gọi là các động, gồm: Động Tiên (phường Phong Châu ngày nay); động Cờ (phường Hùng Vương ngày nay) và động Cao (khu Cao Bang, phường Trường Thịnh cũ - nay là xã Thanh Minh).
Vào thời Vua Hùng Vương thứ 18, người con trưởng của Bảo Quốc Công đại tướng Ma Khê đã đưa một bộ phận cư dân họ Ma từ núi Đọi (Cẩm Khê) sang cư trú và lập thành động riêng, sau đó hợp nhất với các động của làng, gọi chung là động Phú An. Qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, tên gọi Phú An vẫn được giữ nguyên; khi thì gọi là Phú An Bộ, khi thì gọi là Phú An xã hay làng Phú An. Theo cuốn Đồng Khánh địa dư chí, những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XIX, làng Phú An đổi tên thành làng Phú Thọ, nằm trong tổng Phú Thọ.
Ngày 5/5/1903, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển lỵ sở tỉnh Hưng Hóa về làng Phú Thọ và đổi tên tỉnh Hưng Hóa thành tỉnh Phú Thọ. Vị trí trung tâm tỉnh lỵ của thị xã Phú Thọ được thực dân Pháp duy trì và củng cố suốt 42 năm, từ khi thành lập cho đến năm 1945.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân thị xã Phú Thọ đã cùng cả nước trải qua 15 năm đấu tranh kiên cường để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày Quốc tế Lao động năm 1940, lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm xuất hiện ở thị xã, trên Cây đa lịch sử ở phường Âu Cơ ngày nay, truyền đơn cách mạng được rải trên các phố đánh dấu một bước chuyển mình mới của phong trào đấu tranh của nhân dân nơi đây. Ngày 25/8/1945, cùng với nhân dân các địa phương trong tỉnh, nhân dân thị xã Phú Thọ khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Ngay sau khi Chi bộ Đảng thị xã ra đời (ngày 4/11/1946), cùng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Phú Thọ, nhân dân thị xã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc xây dựng, bảo vệ chế độ mới trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, thử thách. Thực hiện Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của BCH Trung ương Đảng và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân thị xã tích cực đóng góp “sức người, sức của” với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, thị xã Phú Thọ đã có hơn 5.000 thanh niên nhập ngũ và tham gia phục vụ chiến trường, 875 liệt sỹ, các thương, bệnh binh, 53 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tháng 2/1968, Phú Thọ và Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú, thị xã Phú Thọ là một trong ba thị xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Tháng 11/1996, tỉnh Phú Thọ tái lập theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, thị xã Phú Thọ tiếp tục giữ vai trò là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế phía Tây và Tây Bắc của tỉnh.

Diện mạo đô thị của thị xã được chỉnh trang sáng, xanh, sạch, đẹp
Bản anh hùng ca thời kỳ đổi mới
Từ một làng Việt Cổ mang tên Phú An với 6 phố, 2 khu, đến nay thị xã Phú Thọ đã có 9 đơn vị hành chính (4 phường, 5 xã) và 62 khu dân cư với diện tích 6.520,16ha. Sau 120 năm xây dựng và phát triển, cùng với tiến trình lịch sử hình thành và phát triển hào hùng của dân tộc và của tỉnh Phú Thọ, thị xã Phú Thọ đã vững bước vươn lên tạo nên những chuyển biến cơ bản và toàn diện.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, thị xã Phú Thọ đã chủ động vận dụng một cách linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của địa phương và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Những năm gần đây, tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, thị xã Phú Thọ đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kiên định mục tiêu lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng. Những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đều đạt và hoàn thành vượt mức. Diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, xứng đáng tầm vóc của một thị xã anh hùng.

Công nhân sản xuất sản phẩm tại Công ty TNHH Young Chon thuộc Cụm công nghiệp Thanh Minh
Xác định rõ những tiềm năng, lợi thế, với quyết tâm tạo sự chuyển biến về quan điểm, nhận thức, lựa chọn những khâu then chốt quyết định sự phát triển của một đô thị trung tâm, thị xã Phú Thọ đã đề ra nhiều chủ trương, định hướng sát với từng lĩnh vực. Nhờ đó, kinh tế của thị xã phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng mạnh mẽ qua từng năm. Tính chung cả giai đoạn 2010 - 2021, thu ngân sách tăng bình quân khoảng 18,5%/năm. Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thị xã Phú Thọ đã nỗ lực thực hiện đạt và vượt 11/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch, như: Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.397 tỷ đồng, bằng 267,7% kế hoạch, tăng 86,3% so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước của thị xã Phú Thọ vượt ngưỡng trên 1.000 tỷ đồng.
Là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, thị xã Phú Thọ tích cực lãnh đạo phát triển công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành động lực phát triển kinh tế của thị xã. Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 với quy mô là 350ha hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động, hiện tại có 26 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 569 triệu USD; giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động trong và ngoài thị xã. Cụm công nghiệp Thanh Minh thu hút 11 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng số vốn đăng ký của các dự án là 390,74 tỷ đồng, trong đó có 5 nhà máy đã đi vào hoạt động, với tổng số 160 lao động; 1 dự án đang xây dựng chuẩn bị đi vào hoạt động; 5 dự án đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến tháng 9/2023 sẽ triển khai xây dựng.
Từ một thị xã hạ tầng, giao thông còn khó khăn, chưa đồng bộ, thị xã Phú Thọ đã có nhiều đổi thay trong xây dựng đô thị văn minh, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển. Hạ tầng giao thông phát triển đột phá, các tuyến đường giao thông đối ngoại hoàn thành đưa vào sử dụng như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 2D, tiến tới là Cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang… đã mở ra những thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội của thị xã phát triển.
Hạ tầng đô thị và các xã xây dựng nông thôn mới được đầu tư đồng bộ, đầu tư xây dựng bổ sung các thiết chế văn hóa, các công trình phục vụ hoạt động công cộng như: Nhà thi đấu thị xã; Nhà Văn hóa, Quảng trường Bình Minh; Vườn hoa Trung tâm, vườn hoa Tuổi trẻ. Hạ tầng các khu đô thị mới dần được hình thành, như: Khu đô thị Âu Cơ, khu đô thị Thanh Minh, khu nhà ở đô thị Hà Lộc, khu đô thị mới Phú Lợi, khu nhà ở đô thị Phú Hà,... góp phần quan trọng mở rộng không gian đô thị, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế của thị xã.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thị xã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ. Từ cuối năm 2018, 5/5 xã của thị xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã về đích trước 2 năm so mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã đề ra. Năm 2019, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, xã Thanh Minh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, thị xã Phú Thọ có 2 khu dân cư xã Phú Hộ (khu 11, 12) đạt tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Chất lượng giáo dục thị xã Phú Thọ ngày càng được khẳng định, đứng trong tốp đầu của tỉnh (Ảnh: Cô và trò Trường THCS Sa Đéc luôn nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt)
Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục toàn diện duy trì vững chắc, giáo dục mũi nhọn trong nhiều năm gần đây luôn duy trì vị trí đứng thứ 3 trở lên trong tỉnh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng tăng cường sự đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thị xã tiếp tục được tăng cường, Đảng bộ thị xã nhiều năm được đánh giá là đơn vị trong sạch vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Minh Xuyên - TUV, Bí thư Thị ủy Phú Thọ khẳng định: Những thành tựu trên là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, thống nhất ý chí và hành động, không ngừng đổi mới và sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thị xã; sự tâm huyết, trách nhiệm của các thế hệ cán bộ lãnh đạo đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chủ động đề ra những chủ trương, nghị quyết, giải pháp phù hợp.
Đây cũng là tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phú Thọ tiếp tục có những thành công tiếp nối, trước mắt là tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Phú Thọ lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Tập trung xây dựng thị xã đạt các tiêu chí của đô thị loại II. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa ở các xã; phấn đấu xây dựng hai xã Thanh Minh và Văn Lung đạt các tiêu chí thành lập phường; 2 xã Hà Lộc và Phú Hộ cơ bản đạt tiêu chí của phường; tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu... Tiếp tục đưa thị xã Phú Thọ là một trong 4 vùng động lực kinh tế trọng điểm của tỉnh Phú Thọ, trở thành điểm sáng góp phần thúc đẩy thực hiện thành công khát vọng xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Nguồn: Cổng Giao tiếp Phú Thọ