Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.
Chi đoàn Thanh niên Sở Ngoại vụ Phú Thọ - Hà Nội phối hợp thực hiện Chương trình từ thiện “Chia sẻ yêu thương” tại huyên Yên Lập, tỉnh Phú Thọ
Ở Việt Nam, thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi là một lực lượng đông đảo, chiếm khoảng 30% dân số. Đây là lực lượng dân cư có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế. Thanh niên Việt Nam nhìn chung đều có tinh thần nhiệt tình cách mạng, hăng hái, tiên phong, ham học hỏi, có óc sáng tạo. Khi được dìu dắt, tập hợp, thanh niên dễ kết thành một khối đoàn kết, thống nhất. Tuy nhiên, do đang trong độ tuổi thích khám phá, năng động, ham học hỏi, nhưng nhận thức chính trị chưa nhiều, ít kinh nghiệm sống, bồng bột, thiếu bản lĩnh,... các thế lực thù địch thường lợi dung những đặc điểm đó của thanh niên để tiến hành các thủ đoạn thâm nhập, tạo “khoảng trống” trong nhận thức chính trị, sự hoài nghi, dao động về bản lĩnh, mục tiêu lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống và dần dẫn đến “tự chuyển hóa”. Thủ đoạn của các thế lực thù địch được nhận diện như sau:
Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, các thế lực thù địch tung ra nhiều chiêu bài, thủ đoạn tinh vi làm phai nhạt, triệt tiêu những yếu tố cách mạng, tích cực trong tư tưởng của giới trẻ, tiêm nhiễm vào họ những tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa. Chúng cho rằng, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để đạt được mục đích đó là thực hiện “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực giáo dục nhằm tạo nên lớp người trẻ “chán lịch sử”, “lười học chính trị”, dẫn đến “mất gốc”, không có lý tưởng cách mạng, xa rời các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong xu hướng hội nhập quốc tế, du học là con đường nhiều người trẻ lựa chọn để “mở mang tầm nhìn”, thỏa sức học hỏi, tiếp thu tri thức nhân loại. Song, đây lại là mảnh đất mầu mỡ, cơ hội để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, kích động, cám dỗ thế hệ trẻ. Nội dung tuyên truyền, chống phá của chúng vẫn là những vấn đề về phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, nói xấu, bôi nhọ các lãnh tụ của Đảng, xuyên tạc công cuộc đổi mới ở nước ta, vu cáo Việt Nam không có dân chủ, vi phạm nhân quyền; ca ngợi, tán dương hình mẫu “dân chủ, tự do” tư bản,… Những thủ đoạn này tuy không mới, nhưng bằng các chiêu thức tinh vi, các thế lực thù địch, phản động từng bước dẫn dụ lớp người trẻ vào con đường sai trái; khi “con mồi” đã cắn câu, chúng ra sức tung hô là người “cấp tiến”, có khả năng “phản biện xã hội”,… làm cho họ đắm chìm trong “cơn mê sảng” đa nguyên, đa đảng, dân chủ, nhân quyền; tỏ thái độ xem xét, chống đối quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi làm suy đồi về đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, tạo tiền đề dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Như một cuộc “xâm lăng văn hóa”, với nhiều thủ đoạn, bằng nhiều con đường, các thế lực thù địch, phản động ra sức truyền bá, đưa các loại văn hóa phẩm đồi trụy vào Việt Nam; tiêm nhiễm lối sống ích kỷ, thực dụng, tôn sùng văn hóa ngoại lai lệch chuẩn, làm cho nhiều người trẻ tha hóa, dần hình thành lối sống dị biệt, đi ngược với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thích hưởng thụ, chạy theo vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần. Và, khi đạo đức, lối sống, nhân cách, nền tảng tinh thần của thế hệ trẻ bị xuống cấp là điều kiện lý tưởng để những luận điệu sai trái, những chiêu trò dụ dỗ, mua chuộc, kích động, thậm chí ép buộc của các thế lực thù địch dễ dàng thâm nhập, thúc đẩy quá trình “tự chuyển hóa” diễn ra nhanh hơn, nguy hiểm hơn.
Các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng không gian mạng, gây nhiễu loạn dư luận xã hội, tác động trực tiếp đến nhận thức, lập trường của thế hệ trẻ. Các thế lực thù địch, phản động hằng ngày, hằng giờ tung thông tin giả, xuyên tạc bản chất của sự vật, hiện tượng tràn ngập trên không gian mạngmạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, Tiktok, Zalo,... và các phương tiện truyền thông khác như các đài phát thanh, truyền hình VOA, RFA, BBC, RFI... để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, khó lường. . Một trong những thủ đoạn nguy hiểm nhất mà chúng thường sử dụng, đó là mượn các thông tin, sự kiện có thật đã xảy ra, được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hay được phát tán thông qua mạng xã hội để lồng ghép, biên tập, sửa chữa và thêm thắt các tình tiết ngụy tạo, bóp méo rồi được tung ra như một dạng thông tin chính thống. Sau đó, thông qua các hình thức tán phát, như bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, hội luận, ý kiến chuyên gia, người trong cuộc, ngoài cuộc... để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật. Cuối cùng, thông qua sự tương tác, bình luận, ý kiến người đọc, người xem để định hướng dư luận theo ý đồ của chúng. Với những thủ đoạn tinh vi, dàn dựng khá bài bản, có thể chúng đã làm lung lay tư tưởng được một số người còn thiếu thông tin, nhận thức hạn chế, phiến diện, trong đó có thế hệ trẻ. Thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều bạn trẻ dành nhiều giờ mỗi ngày để “lướt mạng”, đọc tin, xem video, chia sẻ, bình luận,… mà không cần quan tâm đâu là thông tin thật, đâu là tin giả. Trong mớ hỗn độn của các luồng thông tin đúng - sai, thật - giả, tốt - xấu ấy, nhiều thanh, thiếu niên hoang mang, mất định hướng, không thể kiểm soát nhận thức, cảm xúc và hành vi của mình, bị thao túng, dẫn dắt bởi “hội chứng đám đông”, dẫn đến lệch lạc trong nhận thức, sai trái trong một số hành động, việc làm.
Đối mặt với những luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, hơn ai hết, thế hệ thanh niên, thế hệ trẻ ngày nay cần phải nêu cao trách nhiệm và vai trò của mình trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần vào việc bảo vệ lợi ích và chủ quyền của đất nước.
Một là, thanh niên cần phải nắm vững kiến thức về lịch sử, chính trị, về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Điều này giúp cho thanh nhiên hiểu rõ các quyết định và chính sách của đất nước, có cơ sở để phản biện, đối thoại và thuyết phục những người có quan điểm sai trái, thiếu lòng tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nắm bắt kiến thức về chính sách đối ngoại, về quan hệ quốc tế, về những thành tựu mà ngành ngoại giao nước ta đã đạt được sẽ giúp chúng ta đưa ra các lập luận chính xác và có cơ sở. Muốn như vậy, thanh niên không những phải liên tục trau dồi kiến thức, tích cực học tập, nâng cao nhận thức của bản thân về lĩnh vực đối ngoại, về đường lối ngoại giao của nước ta, đồng thời năng động, sáng tạo tìm kiếm thêm những thông tin hữu ích trên báo chí, tài liệu, các trang mạng chính thống để củng cố thêm kiến thức, giúp nhận biết được chính xác nguồn tin đúng, chuẩn và loại bỏ những tin xấu độc, gây hại.
Hai là, thanh niên có thể tham gia các diễn đàn, hội thảo, các cuộc tranh luận công khai, hoặc các nhóm trao đổi ý kiến để đưa ra quan điểm và phản biện những quan điểm sai trái về đường lối đối ngoại. Bằng cách tham gia vào những cuộc trao đổi này, thanh niên có cơ hội chia sẻ thông tin, làm rõ các vấn đề và thuyết phục người khác hiểu quan điểm của mình, tạo ra những thay đổi tích cực trong cách nhìn nhận và hiểu biết về đường lối đối ngoại của Việt Nam. Hiện nay, sinh viên các trường đại học có chuyên ngành quan hệ quốc tế như Học viện Ngoại giao, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn… không chỉ được học các kiến thức chung về đối ngoại Việt Nam, về lịch sử quan hệ quốc tế mà các bạn sinh viên còn được trực tiếp tham gia vào các phiên họp giả định mô phỏng theo các cuộc họp của Liên Hợp Quốc, của ASEAN…, tham gia vào các chương trình nghị sự, diễn đàn lớn của đất nước với vai trò tình nguyện viên. Đó chính là những cơ hội quý báu để thanh niên thể hiện năng lực của bản thân, đóng góp tiếng nói của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ba là, thanh niên có thể sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để lan truyền thông tin, phản bác các quan điểm sai trái và tạo ra những cuộc trao đổi ý kiến công khai. Việc sử dụng mạng xã hội và các kênh truyền thông giúp đưa thông điệp của thanh niên đến với một số lượng lớn người dân, tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn. Với các hình thức như viết tin bài, đăng bình luận công khai, chia sẻ thông tin chính xác trên các nền tảng xã hội của cá nhân như facebook, zalo… hay các trang mạng chính thống sẽ góp phần phản bác các thông tin sai lệch để nâng cao nhận thức của người khác. Thậm chí, những thanh niên giỏi ngoại ngữ, với khả năng của mình có thể viết các tin, bài, bình luận bằng các ngôn ngữ khác nhau, giúp cho bạn bè thế giới hiểu đúng, hiểu đủ về đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Bốn là, thanh niên cần đoàn kết và hợp tác với nhau. Tục ngữ Việt Nam đã có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nếu chỉ một cá nhân tích cực, cố gắng phản bác lại các luận điệu sai trái, đấu tranh chống lại các thế lực thù địch thì chắc chắn không thể thành công, đem lại hiệu quả như mong muốn. Để công tác đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái thực sự đạt kết quả tốt rất cần sự đoàn kết, tập hợp lực lượng của đội ngũ trí thức trẻ, của thế hệ thanh niên ngày nay. Thanh niên có thể tìm hiểu và tham gia các tổ chức, các nhóm hoạt động có quan điểm tương tự để có thêm sự hỗ trợ và góp ý trong việc phản bác các quan điểm sai trái. Bằng cách kết nối và làm việc cùng nhau, thanh niên có thể nâng cao tiếng nói và tầm ảnh hưởng của mình.
Năm là, thanh niên cần mạnh dạn và chủ động hơn trong việc gửi câu hỏi hoặc yêu cầu thông tin đến các cơ quan chính phủ có thẩm quyền để có những hiểu biết sâu rộng về chính sách đối ngoại, về những đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác nhất. Các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội vẫn thường xuyên tổ chức những buổi đối thoại trực tiếp và trực tuyến với các tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ chúng ta. Trong những buổi đối thoại này, thanh niên cần phải là lực lượng xung kích đi đầu, sẵn sàng, chủ động đặt các câu hỏi, cũng như trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình. Nếu không nói thì không ai biết, nếu không làm thì không ai hay. Do đó, để thực sự nắm vững các quan điểm, đường lối của Đảng, để không đi chệch hướng thì thanh niên cần bỏ qua cái tôi của mình, bỏ qua những ngại ngùng, xấu hổ, cần mạnh dạn bày tỏ ý kiến, mạnh dạn đề xuất, nêu câu hỏi. Chính những buổi trao đổi, đối thoại thế này là cơ hội để thanh niên bổ sung thêm những kiến thức còn khuyết của mình, để có cái nhìn sâu rộng, đầy đủ và chính xác nhất về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Người đã nhấn mạnh “nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào. Những lời dạy của Người dành cho thanh niên mãi là ngọn đèn soi đường chỉ lối cho thế hệ trẻ Việt Nam tiến bước trên con đường xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thấm nhuần lời Bác dạy, thế hệ trẻ ngày nay cần nêu cao hơn nữa tinh thần tuổi trẻ, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện để góp phần bảo vệ đường lối đối ngoại nói riêng cũng như chủ trương, chính sách phát triển đất nước nói chung, xây dựng và phát triển xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên” như Bác hằng mong./.
|
Nguyễn Thị Phương Hoa
Đảng viên, Chi bộ Sở Ngoại vụ Phú Thọ
|