Hội nghị chính quyền khu vực Đông Á được tổ chức theo sáng kiến của ngài Sogo Arai - Thống đốc tỉnh Nara của Nhật Bản. Lần đầu tiên tổ chức vào năm 2009, hội nghị có 10 thành viên tham dự. Từ những lợi ích đem lại cho các thành viên thông qua nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực; tại hội nghị lần thứ 4 này đã có 64 thành viên tham dự. Sự có mặt của ngày càng đông đảo các đoàn đại biểu đến từ các vùng lãnh thổ, các quốc gia khu vực Đông Á đã chứng minh cho hiệu quả hoạt động và sáng kiến tổ chức hợp tác. Hiện nay, khu vực Đông Á chiếm tới 20% GDP toàn thế giới và 3/4 GDP khu vực Châu Á.
Tại hội nghị lần này, các đại biểu đã tập trung phân tích về các lĩnh vực chuyên sâu như: Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dân số già và tỷ lệ sinh giảm; vấn đề phát triển kinh tế khu vực và đảm bảo việc làm, công tác bảo tồn đa dạng các nền văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, các vấn đề đảm bảo cho phát triển bền vững liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu và tăng cường đảm bảo an ninh, ổn định tình hình chính trị.
Các đại biểu dự hội nghị chính quyền Đông Á lần thứ tư
Ấn tượng và gây được sự chú ý đặc biệt với các quan chức các nước tham dự hội nghị là bài thuyết trình trực tiếp bằng tiếng Anh của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ trong phiên họp toàn thể. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật với các tỉnh, thành của các nước trên thế giới nhằm góp phần vào sự phát triển chung của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, duy trì quan hệ hợp tác quốc tế bình đẳng, cùng có lợi, đảm bảo đúng nguyên tắc nhằm tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại quốc tế. Hiện tại, tỉnh Phú Thọ duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác chính quyền các tỉnh, thành của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào... Trong thu hút đầu tư, tỉnh Phú Thọ đã đặc biệt quan tâm tới công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa các chi phí và thời gian giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp của các nước là thành viên hội nghị Đông Á đầu tư vào tỉnh đã nhanh chóng hoạt động có hiệu quả, làm ăn có lãi do giá nhân công rẻ, trình độ tay nghề của người lao động được không ngừng được nâng cao do tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí đào nghề cho người lao động, đào tạo nghề theo địa chỉ và theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Các hoạt động văn hóa - xã hội được duy trì và phát triển, nổi bật là UNESCO đã công nhận “Hát Xoan ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là cơ hội và tiềm năng để Phú Thọ đẩy mạnh hợp tác với các nước trong phát triển du lịch.
Tham dự hội nghị chính quyền Đông Á lần thứ 4, tỉnh Phú Thọ đã được tỉnh Nara dành cho sự đón tiếp trọng thị. Lãnh đạo 2 tỉnh đã khẳng định: Phú Thọ và Nara đều là vùng đất cố đô, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, trong quá trình hợp tác với chính quyền các địa phương khu vực Đông Á, Phú Thọ đã tích cực tham gia và có nhiều chương trình hành động nhằm tăng cường mối quan hệ song phương, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương.
Để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, chính quyền tỉnh Nara đã dành riêng cho đoàn Phú Thọ một buổi làm việc để giới thiệu, cung cấp các thông tin liên quan đến các chính sách phát triển công nghiệp, mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp của Việt Nam với tỉnh Nara; chính sách phát triển văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch và chính sách giáo dục tại Nara. Theo đó, đến nay tỉnh Nara có 5 doanh nghiệp xuất khẩu sang Việt Nam đạt kim ngạch gần 600 triệu Yên, có 6 doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Nhật Bản đạt trên 510 triệu Yên. Về chính sách văn hóa, tỷ lệ người làm công tác văn hóa nghệ thuật của tỉnh chiếm 13% dân số, Nara có nhiều di tích lịch sử được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, hàng năm thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Đối với lĩnh vực giáo dục, tỉnh Nara đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên các nước tới du học.
Trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, 2 bên đi đến thống nhất ký biên bản ghi nhớ hợp tác trên 3 lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - giáo dục và phát triển du lịch. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cảm ơn ngài Tỉnh trưởng Nara đã dành tình cảm đặc biệt cho tỉnh Phú Thọ. Với vai trò là người sáng lập hội nghị Đông Á, ngài Sugo Arai đã thực sự trở thành nhịp cầu kết nối giữa các doanh nghiệp và các địa phương khác, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực để cùng hội nhập và phát triển. Với những tình cảm đặc biệt đó, Chủ tịch UBND tỉnh Chu Ngọc Anh đã bày tỏ lòng cảm ơn chân thành cá nhân ngài Tỉnh trưởng và các cán bộ cấp cao tỉnh Nara dành cho mối quan hệ hợp tác song phương, tỉnh Phú Thọ sẽ tích cực triển khai các giải pháp để các nội dung theo biên bản hợp tác sớm được cụ thể hóa và trở thành hiện thực bằng các giá trị kinh tế, văn hóa đem lại cho cả 2 bên.
Cũng trong chuyến công tác và làm việc tại Nhật Bản, Chủ tịch UBND tỉnh Chu Ngọc Anh cùng các thành viên trong đoàn đã dành thời gian tham quan, tìm hiểu về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chiến lược phát triển du lịch; tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với chính quyền các địa phương, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu của Nhật bản và các nước tham dự hội nghị để giới thiệu tiềm năng, cung cấp thông tin trong các lĩnh vực mà tỉnh Phú Thọ khuyến khích, mời gọi đầu tư. Nhiều đoàn tham dự hội nghị đã nhận lời mời của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và hứa sẽ bố trí thời gian thích hợp sang thăm tỉnh Phú Thọ để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong thời gian tới.
Nguồn: PhuthoPortal