Tình yêu với lời ca, điệu múa dân tộc
Ngay từ nhỏ, cô bé Hương đã được sinh hoạt trong Câu lạc bộ Sơn Ca của Đài tiếng nói Việt Nam, trở thành gương mặt xuất sắc của câu lạc bộ. Khác với nhiều cô cậu bé cùng trang lứa, Hương đặc biệt yêu thích dòng nhạc dân gian. Hương có thể say mê nhiều giờ bên cây đàn bầu, đàn đáy, cỗ phách, cặp sênh và trống chầu…luyện hát Xẩm, hát Ca trù…
Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, Hương cùng chồng miệt mài hoạt động nghệ thuật, thể hiện các ca khúc mang âm hưởng dân gian. Âm nhạc dân tộc như dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc hai vợ chồng Hương theo đuổi đam mê với nghề.
Năm 1993, chị Hương cùng gia đình sang định cư tại Cộng hòa Séc. Gia đình Trịnh Thu Hương thành lập Trung tâm Sơn Hương Music (400 Libuskas, Praha, Czech), trở thành những người đầu tiên lan tỏa tình yêu lời ca, điệu múa dân tộc của Việt Nam tới đông đảo người Việt tại Séc và người Séc bản địa.
Hoạt động âm nhạc cộng đồng của Sơn Hương music tại Đại sứ quán Việt Nam tại cộng hòa Séc
Hành trình trở về quê hương dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2022, được thắp nén tâm nhang nơi mộ tổ trên đỉnh Nghĩa Lĩnh và nghe điệu Xoan Ghẹo, chị Hương lưu luyến chẳng muốn rời. Dù đã tự học qua internet, thậm chí là truyền dạy hát Xoan Phú Thọ cho nhiều người Việt tại Séc song đây là lần đầu tiên chị thực sự được nhìn ngắm những nghệ nhân hát Xoan bằng xương bằng thịt, được đằm mình trong không gian nghệ thuật truyền thống nơi đất Tổ cội nguồn.
Sau khi nghe các nghệ nhân phường Xoan trình diễn tại Miếu Lãi lèn, chị Hương vì yêu, vì lưu luyến quá “xin” ở lại Phú Thọ thêm 5 ngày… để học hát. Chị chuẩn bị sẵn trang phục áo dài truyền thống màu đỏ, khăn mỏ quạ, xin học tất cả các kỹ năng hát dẫn, đánh trống của kép, kỹ năng hát múa của đào…quyết tâm trở thành nghệ nhân Hát Xoan.
Trở về Phú Thọ - nơi phát tích của Hát Xoan, chị Hương như “cảm” thêm được tâm tình, hồn cốt của người Việt xưa trong từng câu ca, nhịp múa
Lan tỏa Hát Xoan Phú Thọ
Trung tâm Sơn Hương Music hoạt động từ năm 1996 là nơi dạy đàn, hát cho cả người lớn, trẻ em từ 5 tuổi; dàn dựng các chương trình biểu diễn âm nhạc phục vụ cộng đồng người Việt tại Séc và cộng đồng người Séc bản địa.
Những người Việt tại Séc thế hệ thứ 2, thứ 3 không ai là không biết đến SonHuong Music. Từ đây, nhiều người Việt đã biết yêu tiếng Việt, yêu lời ca điệu múa của quê hương đất nước mình. Nhiều cháu bé gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Séc, dù không hiểu nghĩa tiếng Việt nhưng khi học hát, bắt buộc phải thuộc lời nên dần dần, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ phổ thông hằng ngày.
“Ngay từ cuối năm 2011 khi Hát Xoan Phú Thọ được Unesco vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, hai vợ chồng Hương đã xem, nghiên cứu và tự học hát qua Youtube.” - chị Hương chia sẻ.
Từ năm 2013, được sự động viên của chủ tịch Hội đồng hương Phú Thọ tại Séc Tạ Quốc Huân, SonHuong Music bắt đầu dạy Hát Xoan cho bà con kiều bào và dàn dựng trình diễn Hát Xoan phục vụ các chương trình nghệ thuật do Đại sứ quán, Hội người Việt Nam tại Séc tổ chức.
Nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn chào mừng Kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Czech, Quốc khánh 2/9, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 hằng năm, Trung tâm của gia đình chị Hương luôn được nhận nhiệm vụ đảm trách các tiết mục trình diễn Hát Xoan.
Thông qua âm nhạc, bên cạnh việc truyền dạy tiếng Việt, chị Hương còn lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc, niềm say mê âm nhạc truyền thống tới cộng đồng, đặc biệt là niềm yêu với loại hình nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ.
Từ cái nôi SonHuong Music, nhiều tài năng âm nhạc nhí đã tiếp tục lan tỏa nghệ thuật âm nhạc dân gian Việt Nam tới các quốc gia khác. Sandra Hoàng Phương Thảo (19 tuổi, đang học tại Anh), tham gia học hát của cô Hương từ lúc 10 tuổi đã và đạt giải giọng hát hay tại Liên hoan âm nhạc các trường quốc tế tại châu Âu bằng một điệu Xoan Phú Thọ.
Chị Hương kể: Tại Séc, một số sinh viên quốc tế nghiên cứu về văn hóa dân gian, âm nhạc truyền thống của châu Á đã tìm đến chị để sưu tầm bản nhạc, lời ca, học chơi các loại nhạc cụ dân gian Việt Nam. Họ rất ấn tượng với kho báu nghệ thuật truyền thống của người Việt.
Dịp này trở về đất mẹ, với 5 ngày ngắn ngủi được học từ các nghệ nhân phường Xoan miếu Lãi Lèn - nơi phát tích của Hát Xoan Phú Thọ, chị Hương như “cảm” thêm được tâm tình, hồn cốt của người Việt xưa trong từng câu ca, nhịp múa. Chắc chắn khi trở về, với sứ mệnh tự mang trên mình, chị Hương sẽ đưa Hát Xoan Phú Thọ trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức cộng đồng người Việt tại Séc và là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam đối với cộng đồng người Séc bản địa./.
Đỗ Anh Ngọc