44 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc: Hành trình ghi dấu ấn
Trong 44 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam-Liên hợp quốc (LHQ) có ý nghĩa to lớn, từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
|
Ngày 20/9/1977, Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Ưu tiên đối ngoại hàng đầu
Đối ngoại đa phương là một trong những ưu tiên của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Gần đây nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, văn bản chỉ đạo đầu tiên Đảng về công tác đối ngoại đa phương của đất nước, đưa đối ngoại đa phương thành một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu và là một phương thức hiệu quả thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược-xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, việc thúc đẩy quan hệ với Liên hợp quốc (LHQ) xác định là một trong những trọng tâm của đối ngoại đa phương qua các thời kỳ.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ, tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế.
Song song với đó, Việt Nam tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
LHQ và cộng đồng quốc tế đã đánh giá Việt Nam là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều “dấu ấn” Việt Nam tại các cơ quan như tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hội đồng Kinh tế - xã hội (ECOSOC).
Quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ suốt 44 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè và tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước. |
|
Ngày 22/9/2017, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York (Mỹ), thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, khi đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân. (Nguồn: TTXVN) |
Tham gia nỗ lực chung của LHQ
Trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam và LHQ tích cực triển khai Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 LHQ trong khuôn khổ Sáng kiến Một LHQ đã được ký tháng 7/2017.
Chương trình này tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).
Nhìn chung, hỗ trợ của LHQ được đánh giá là thiết thực, phù hợp với các mục tiêu phát triển của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững.
Ngày 11/9/2020, Việt Nam đã nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật cho Ban Thư ký Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Để triển khai thực hiện NDC cập nhật, bên cạnh việc huy động nội lực, Việt Nam cũng cần hỗ trợ lớn về tài chính và công nghệ và mong muốn tăng cường hợp tác thông qua khuôn khổ song phương, đa phương và các cơ chế mới theo thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu để huy động nguồn lực cần thiết nhằm thực hiện các mục tiêu nêu trong NDC cập nhật, từ đó đóng góp vào việc triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Trong đại dịch Covid-19, đến nay Việt Nam đã nhận được gần 2,5 triệu liều vaccine từ Cơ chế COVAX. Các tổ chức LHQ tại Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợ Việt Nam trên 5 lĩnh vực gồm: chuẩn bị khẩn cấp y tế cộng đồng; giám sát, đánh giá rủi ro, điều tra và phản ứng với dịch bệnh; phòng thí nghiệm; kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm và quản lý lâm sàng; truyền thông rủi ro.
Các tổ chức LHQ cũng đưa ra hướng dẫn phòng chống Covid-19 cho trẻ em, người lao động và toàn xã hội và có 2 báo cáo tổng hợp đánh giá tác động của Covid-19 tại Việt Nam và khuyến nghị biện pháp ứng phó.
Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước.
|
Việt Nam đã triển khai 3 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ hòa bình LHQ ở Nam Sudan. Ảnh: 32 thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 hoàn thành nhiệm kỳ công tác tại Cộng hòa Nam Sudan. (Nguồn: TTXVN) |
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã cử 243 lượt sĩ quan quân đội theo các suất đơn lẻ làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở LHQ; triển khai 3 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ hòa bình LHQ ở Nam Sudan; là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân với 12%.
Tinh thần trách nhiệm và tích cực tại HĐBA
Việt Nam đã được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (nhiệm kỳ 2020-2021) với với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu ủng hộ.
Trên cương vị này, Việt Nam đã phát huy được vai trò, chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên HĐBA và phát huy “vai trò kép” Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020.
Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 và tháng 4/2021, Việt Nam đã tổ chức thành công các sự kiện điểm nhấn là Thảo luận mở về Hiến chương LHQ, Phiên họp về quan hệ hợp tác ASEAN-LHQ (lần đầu tiên trong lịch sử tại HĐBA), Thảo luận mở về khắc phục hậu quả bom mìn, Thảo luận mở về vai trò của các tổ chức khu vực, Thảo luận mở về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu.
|
Trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân”. |
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế LHQ về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Ta cũng phối hợp tốt với LHQ trong công cuộc chống đại dịch Covid-19, trong đó Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng LHQ thông qua với 112 quốc gia đồng thuận, Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của WHO, 500.000 USD cho Chương trình COVAX.
Lần đầu tiên Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân là nhân viên LHQ nhiễm Covid-19 theo Cơ chế MEDEVAC (Nhóm Công tác sơ tán y tế toàn cầu của LHQ) và tiến tới sẽ thành lập Trung tâm MEDEVAC tại Việt Nam sau khi thỏa thuận, thống nhất các nội dung cụ thể với phía LHQ.
Hợp tác Việt Nam - LHQ đạt kết quả tốt và có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại LHQ.
Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76
Từ ngày 21-24/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tới New York, Mỹ, dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76.
Phiên thảo luận cấp cao ĐHĐ LHQ hằng năm là sự kiện đa phương lớn nhất hành tinh. Sự kiện quy tụ nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các nước tham dự để cùng chia sẻ quan điểm, thể hiện nỗ lực chung giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ các vấn đề an ninh đến phát triển, từ thách thức an ninh truyền thống như xung đột, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chạy đua vũ trang đến các thách thức phi truyền thống hoặc đang nổi lên gay gắt như phòng chống dịch bệnh, khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh mạng…
“Tại diễn đàn LHQ, chúng ta sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào công việc chung của LHQ và cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết.
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc Chủ tịch nước tham gia và phát biểu tại tuần lễ cấp cao ĐHĐ và các hoạt động lớn nhất trong năm của LHQ có một ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và cam kết rất mạnh của Việt Nam với cương vị là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.
Ngoài phiên thảo luận chính tại ĐHĐ, Chủ tịch nước sẽ dự 3 phiên họp cấp cao bao gồm phiên về hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, phiên cấp cao về an ninh khí hậu tại Hội đồng Bảo an và phiên thảo luận cấp cao toàn cầu về ứng phó với đại dịch Covid-19.
“Tất cả những hoạt động này đều nhằm 3 mục tiêu trước mắt là ứng phó với đại dịch Covid-19, giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch. Đây là những thách thức trực tiếp đối với chúng ta cũng như đối với toàn cầu”, Đại sứ Đặng Đình Quý nói.
|
TG&VN