|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet sau lễ ký Tạm ước 14/7/1946 tại Paris, Pháp (Nguồn: baoquocte.vn) |
Có nhiều cách tiếp cận khi đúc rút kinh nghiệm trong công tác ngoại giao: từng sự kiện, vấn đề hoặc từng giai đoạn; thời kỳ hay toàn bộ chiều dài lịch sử ngoại giao Việt Nam. Xin được khái quát một số bài học ngoại Việt Nam 75 năm qua.
Bài học thứ nhất: Đặt lợi ích chính đáng của dân tộc lên trên hết, đồng thời phải tôn trọng lợi ích dân tộc chính đáng của các nước khác, nhất là của các nước láng giềng. Đây là bài học có tầm quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa nguyên tắc trong hoạt động đối ngoại Việt Nam.
Lần đầu tiên, tư tưởng này đã được Palmerston, Bộ trưởng Ngoại giao Anh thế kỷ XIX đề cập: “Chúng ta không có những người bạn đồng minh vĩnh cửu, mà cũng không có kẻ thù vĩnh cửu. Chỉ có quyền lợi của chúng ta là vĩnh hằng không thay đổi. Theo đuổi quyền lợi đó chính là chức trách của chúng ta”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ ngoại giao: “Muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm”. Lợi ích chính đáng của dân tộc Việt Nam là hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân; lợi ích phát triển và phát huy ảnh hưởng. Trong tất cả hoạt động ngoại giao từ khi nước Việt Nam DCCH ra đời, đặc biệt trong các cuộc đàm phán lịch sử như Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Tạm ước 14/9/1946, Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương, Hội nghị Paris về Việt Nam cũng như các cuộc đàm phán song phương và đa phương sau này, chúng ta luôn đặt lợi ích tối cao của dân tộc lên trên hết.
Muốn bảo vệ được tốt nhất lợi ích dân tộc, không những phải xuất phát từ nhiệm vụ chiến lược, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước và đặc điểm cơ bản của tình hình quốc tế để xác định đúng phương hướng, chiến lược đối ngoại mà còn phải xác định đúng ưu tiên của chính sách đối ngoại trong từng thời điểm của lịch sử dân tộc nhằm phục vụ cho lợi ích lâu dài. Lợi ích dân tộc là trên hết, song phải coi trọng lợi ích các dân tộc khác, nhất là các nước láng giềng.
Bài học thứ hai: Kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại. Thế giới mà chúng ta đang sống tuy đầy mâu thuẫn nhưng là một thể thống nhất. Các dân tộc sống trên thế giới này tuy có bản sắc riêng, lớn nhỏ giàu nghèo, chế độ chính trị và trình độ phát triển khác nhau nhưng đều là một bộ phận của tổng thể đó.
Thế giới như một guồng máy đồ sộ vận hành theo những quy luật chung nhất mà người ta gọi là xu thế và mỗi một nước đều hoặc cùng vận hành theo xu thế chung hoặc bị loại trừ. Mỗi dân tộc nếu nắm bắt được xu thế phát triển chung của thế giới và trên cơ sở đó chọn cho mình một vị trí thích hợp nhất trong guồng máy chung của thế giới, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại thì sức mạnh tổng hợp sẽ được tăng lên gấp bội.
Để biến những vấn đề có tính chất nguyên lý nói trên đây thành hiện thực thì vấn đề đầu tiên là phải tạo ra cho dân tộc mình một sức mạnh nhất định. Sức mạnh dân tộc là sự kết hợp của nhiều nhân tố kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao và ý chí; là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước kết hợp với quyết tâm của nhân dân. Kinh nghiệm của cha ông ta, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Quang Trung, Nguyễn đều cho thấy lúc nào ta kết hợp được tốt các nhân tố trên tạo ra sức mạnh tổng hợp thì chúng ta đều chiến thắng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, nhờ kết hợp khéo léo sức mạnh dân tộc và thời đại, chúng ta đã chiến thắng hai cường quốc có sức mạnh quân sự, kinh tế, khoa học, công nghệ hơn hẳn Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, theo phương châm trên, Việt Nam kết hợp thành công sức mạnh dân tộc và quốc tế để phát triển đất nước phồn vinh.
Bài học thứ ba: Độc lập tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế. Độc lập tự chủ là “tự điều hành đất nước, không có sự can thiệp của nước ngoài”, tức là dựa vào sức mình là chính. Bác Hồ nhấn mạnh: “Muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự cứu lấy mình”. Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường nghĩa là nội lực là quyết định, song ngoại lực rất quan trọng, góp phần làm tăng khả năng tự lực tự cường của đất nước.
Mặt khác, độc lập tự chủ không có nghĩa là biệt lập, biệt phái, mà đi liền với đoàn kết, hợp tác và hội nhập quốc tế. Bác Hồ luôn khẳng định: “Thêm bạn bớt thù”, “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, “Mọi người yêu nước và tiến bộ là bạn của ta”. Đó là tiền đề chính sách đối ngoại rộng mở và đa dạng, đa phương hóa sau này của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù tình hình quốc tế vô cùng phức tạp, mâu thuẫn Xô-Trung rất sâu sắc, song nhờ có đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, Việt Nam đã tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn cả vật chất và tinh thần của cả Liên Xô và Trung Quốc. Trong thời kỳ đổi mới nhờ có đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, chúng ta đã tranh thủ được ngoại lực to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài học thứ tư: Coi trọng và xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn, xây dựng, giữ gìn quan hệ hữu nghị và lâu dài, bền vững với các nước láng giềng. Trong lịch sử thế giới cận đại và hiện đại, chính sách các nước lớn, quan hệ giữa các nước lớn với nhau thường mang tính quyết định cục diện và tiến trình quan hệ quốc tế. Sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ quốc tế có chiều hướng dân chủ hóa hơn và tiếng nói của nước vừa và nhỏ có trọng lượng lớn hơn, những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Tây Âu, Ấn Độ vẫn có vai trò rất lớn trong các vấn đề quốc tế.
Quan hệ giữa các nước lớn luôn là cạnh tranh và thỏa hiệp. Tuy nhiên, cần thấy khả năng tác động của các nước lớn cũng còn nhiều hạn chế vì lợi ích nước lớn luôn xung đột nhau và không phải lúc nào các nước lớn cũng có thể dễ dàng thỏa hiệp hoặc đối đầu trên lưng các nước khác.
Từ nhận thức trên, chúng ta xác định đúng vị trí của của nước ta trong chiến lược của các nước lớn; không ngừng hoàn thiện mối quan hệ của ta với các nước lớn; đặt quan hệ với các nước lớn là nhiệm vụ đối ngoại ở tầm chiến lược. Chiến lược đó gồm các nội dung: Tranh thủ có quan hệ bình thường, đúng đắn với tất cả nước lớn; cố gắng thực hiện một chính sách cân bằng tương đối trong quan hệ với các nước lớn, không nhất biên đảo; xử lý linh hoạt, khéo léo quan hệ với các nước lớn nhưng phải trên nguyên tắc nắm vững lợi ích dân tộc, độc lập tự chủ.
Nhìn lại lịch sử từ xưa đến nay của quan hệ quốc tế, quan hệ láng giềng là mối quan hệ phức tạp nhất, hòa thuận thì ít xung khắc thì nhiều, bởi lẽ lợi ích dân tộc mỗi nước khác nhau, vị trí địa lý lớn nhỏ khác nhau, giàu nghèo khác nhau và nhất là thường có các mâu thuẫn về biên giới, lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, sắc tộc, tôn giáo... Tuy nhiên, trong quan hệ giữa các nước láng giềng chỉ có con đường duy nhất là phải đời đời tồn tại bên nhau. Không ai thay đổi được láng giềng.
Nền an ninh và phát triển của tất cả các nước trước hết phụ thuộc vào quan hệ với các nước láng giềng tốt hay xấu. Môi trường quốc tế có thể rất thuận lợi cho đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển của tất cả các nước trên thế giới nói chung, nhưng một nước nếu không có quan hệ láng giềng tốt thì cũng không thể tận dụng được những điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc giữ gìn an ninh và công cuộc phát triển của mình. Cho nên phải coi trọng xây dựng, giữ gìn quan hệ hữu nghị và lâu dài, bền vững với các nước láng giềng, nhất là các nước láng giềng có chung biên giới.
Bài học thứ năm: Dĩ bất biến ứng vạn biến. Đây là lời Bác Hồ dặn dò Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng trong việc xử lý việc nước trước khi lên đường thăm chính thức nước Pháp ngày 31/5/1946. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là lấy cái không đổi để ứng phó với vạn cái thay đổi và lấy vạn điều thay đổi để thực hiện điều không đổi. Đây cũng là mối quan hệ giữa mục tiêu và phương pháp, giữa nguyên tắc và sách lược. Nếu chỉ biết cái bất biến sẽ trở nên giáo điều, còn chỉ biết cái vạn biến dễ chệch hướng, lạc mục tiêu. Đó chính là triết lý phương Đông rất đặc sắc, là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược.
Nguyên tắc “Dĩ bất biến ứng vạn biến”: Một là, giữ vững mục tiêu các mạng. Hai là, trung thành với lý tưởng đã lực chọn, có niềm tin vào thắng lợi. Ba là, nắm chắc quy luật tất yếu của của lịch sử. Bốn là, phải biết nhân nhượng, thỏa hiệp, song nhận nhượng thỏa hiệp phải có nguyên tắc. Năm là, xác định đúng giới hạn của nhận nhượng. Sáu là, luôn nhạy bén dự báo, phát hiện thay đổi, nhất là trong các bước ngoặt và kiên quyết, sáng tạo, mưu lược thực hiện điều vạn biến, các vấn đề sách lược.
Bài học thứ sáu, Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao/ đối ngoại bao gồm tư tưởng, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao là di sản vô giá, là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Lịch sử đối ngoại Việt Nam trong 75 năm qua đã chứng minh: chỉ khi nào coi trọng việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao của Người, công tác ngoại giao của Đảng và Nhà nước sẽ thành công, ngược lại sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại.
Các bài học trên có giá trị trường tồn, cần vận dụng sáng tạo trong điều kiện quốc tế hiện nay./.
Đại sứ, GS.TS Vũ Dương Huân
Nguồn: baoquocte.vn