Bác bỏ thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam
Một số tổ chức quốc tế thường núp bóng “can thiệp nhân đạo”, có những luận điệu đội lốt “tự do, dân chủ” “theo dõi nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, trái với các công ước quốc tế và Luật quốc tế hiện đại, thường xuyên yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho những người vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng họ lại gọi là “nhà dân chủ”.
|
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì cuộc họp báo chiều 15/4.
|
Tại họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, chiều ngày 15/4/2024 tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận định: các báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc và các bên liên quan về Việt Nam có rất nhiều nội dung được xây dựng trên những thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình Việt Nam.
Các báo cáo có rất nhiều nội dung được xây dựng trên những thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình Việt Nam.
Việt Nam tổ chức rất nhiều hội thảo tham vấn để lấy ý kiến nhưng các tổ chức đã không tham gia vào tiến trình đó, thậm chí không có mặt ở Việt Nam nhưng lại gửi rất nhiều thông tin đánh giá sai lệch về tình hình của Việt Nam.
Mặt khác, tất cả báo cáo khác của các cơ quan Liên hợp quốc đều không được tiến hành công khai, minh bạch, không được tham vấn đầy đủ như cách của Việt Nam tiến hành đối với báo cáo quốc gia của mình. Chính các đại sứ - những người trực tiếp hiện diện tại Việt Nam, được chứng kiến đổi thay, tiến triển, tiến bộ của Việt Nam từng ngày, từng giờ sẽ mang đến những thông tin đầy đủ, khách quan nhất cho các Chính phủ trong quá trình trao đổi, khuyến nghị đối với Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền thời gian tới.
Tại Việt Nam, việc nghiêm túc và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên và các Mục tiêu phát triển bền vững, cũng là sự bổ sung, tương hỗ cho quá trình thực hiện các khuyến nghị UPR.
Năm 2020, báo cáo thường niên thế giới của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế HRW (Mỹ) và Quyền con người khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá quốc tế AI (Anh) cho rằng năm 2019 là một năm “tàn bạo” đối với các quyền tự do căn bản ở Việt Nam khi chính quyền kết án tù ít nhất 30 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến. Họ cho rằng chính quyền Việt Nam đã bỏ tù các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến chỉ vì họ “đã thực hiện các quyền tự do căn bản như tự do biểu đạt, lập hội và tự do tín ngưỡng”; “Nhà nước độc đảng giới hạn một cách nghiêm trọng tất cả các quyền chính trị và dân sự căn bản, cấm bất cứ các hoạt động nào mà Đảng Cộng sản cho là mối đe dọa với độc quyền lãnh đạo. Đặc biệt, các nhà hoạt động và blogger bị giám sát, bị cấm đi lại, bị đánh đập, thẩm vấn, bắt giữ và bị kết án tù nhiều năm”.
Những người theo các nhóm tôn giáo không được Nhà nước thừa nhận thường bị chỉ trích, bị ép phải từ bỏ đạo, bị bắt giữ, thẩm vấn, tra tấn, bỏ tù...
Sau khi HRW và AI công bố, các báo cáo, đánh giá này được nhiều tờ báo quốc tế đăng tải, các trang mạng phản động lợi dụng “đục nước béo cò” để tăng cường chống phá; các nhà “dân chủ” thừa cơ tung lên mạng xã hội tạo cớ công kích, vu cáo tình hình dân chủ, nhân quyền; nhiều tổ chức, cá nhân gắn mác “xã hội dân sự” xuyên tạc, câu kết, móc nối, báo cáo, kiến nghị, gây sức ép yêu cầu hoãn, hủy bỏ phê chuẩn Hiệp định thương mại EU - Việt Nam (EVFTA).
Tuy nhiên, đây là những tuyên bố mang tính cáo buộc và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Tại Việt Nam, các quyền tự do, dân chủ của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, được quy định rõ trong Hiến pháp và trong các văn bản pháp luật khác, được tôn trọng và thực thi trên thực tế.
Hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; lịch sử văn hóa truyền thống và điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Mục tiêu cao nhất mà hệ thống pháp luật Việt Nam hướng tới là bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Mọi công dân sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, thành phần dân tộc hay trình độ đều bình đẳng trước pháp luật. Những trường hợp mà HRW và AI gọi là "nhà hoạt động và bất đồng chính kiến" đã và đang bị chính quyền Việt Nam kết án tù, thực chất đó là những công dân đã vi phạm pháp luật Việt Nam và họ phải chịu những hình phạt của luật pháp là hoàn toàn chính xác. Đòi trả tự do cho những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật của HRW, AI là hành động trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, chủ trương và chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất, tạo cơ sở vững chắc hơn nữa để bảo đảm quyền con người. Bên cạnh đó, khuôn khổ luật pháp ngày càng hoàn thiện đã tạo nền tảng quan trọng để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của nhân dân.
- UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền, với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch.
- Tổ chức Human Rights Watch – HRW (Mỹ) theo dõi nhân quyền quốc tế.
- Tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International – AI (Anh) theo dõi Quyền con người khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
|
Đỗ Thị Anh Ngọc