Cách mạng Tháng Tám - Cuộc cách mạng của lòng dân
Sức mạnh của lòng dân và tinh thần đoàn kết đã làm nên thắng lợi vĩ đại Cách mạng tháng Tám và tiếp tục đưa Việt Nam vượt qua khó khăn, lập nhiều kỳ tích mới trong công cuộc phát triển và dựng xây đất nước.
Cách đây 78 năm, Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh dấu sự thành công của cách mạng Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi sự áp bức bóc lột gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những ngày mùa Thu tháng Tám lịch sử ấy, từ Khu giải phóng Tân Trào, lệnh Tổng Khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã đồng lòng đứng lên, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây có thể nói là một cuộc tập hợp lực lượng khổng lồ mà truớc đó chưa từng có ở Đông Dương.
|
Cách mạng Tháng Tám thành công đã để lại bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
|
Hội nghị toàn quốc của Đảng ta được triệu tập tại Tân Trào, Tuyên Quang vào ngày 13 tháng 8 năm 1945 đã khẳng định những điều kiện tiến hành Tổng khởi nghĩa đã đầy đủ và thời cơ cách mạng đã tới. Hội nghị cũng xác định 3 nguyên tắc chỉ đạo tổng khởi nghĩa là “tập trung, thống nhất và kịp thời”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa.
Ngay sau khi thành lập năm 1930, Đảng ta xác định: muốn tiến hành cuộc cách mạng thì cần phải có lực lượng. Do vậy, việc xây dựng lực lượng được xác định trên 2 mặt là chuẩn bị lực lượng chính trị quần chúng và xây dựng lực lượng vũ trang, với phương pháp cách mạng sử dụng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh bạo lực cộng với nghệ thuật khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa.
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Hội đồng lý luận Trung ương, khi đó, Đảng ta mới chỉ 15 tuổi, với số lượng ít ỏi gần 5 nghìn Đảng viên nhưng công tác dân vận, tuyên truyền của Đảng đã thành công, đã thức tỉnh được sức mạnh trong nhân dân, đưa lý tưởng giải phóng dân tộc giác ngộ nhân dân.
“Cuộc cách mạng tháng Tám ở nước ta năm 1945 là một minh chứng điển hình cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy được lòng yêu nước đó là một giá trị truyền thống rất quan trọng làm nên sức mạnh của cả dân tộc. Cuộc cách mạng ấy, lại khai sinh ra được một chính thể hoàn toàn thể hiện quyền lực của nhân dân sau ngót 1 thế kỷ bị nô lệ áp bức và cũng là hàng ngàn năm trong chế độ quân chủ phong kiến đã lỗi thời”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Cùng với đoàn kết nội bộ, Đảng ta không ngừng xây dựng, củng cố khối liên minh công-nông và coi trọng việc đoàn kết, tập hợp các lực lượng khác như thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tiểu thương, tư sản, địa chủ…
Từ Tân Trào, lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi và được toàn thể nhân dân đồng tình hưởng ứng. Sáng ngày 19/8, hàng chục vạn nhân dân tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn, đánh dấu mốc son lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
|
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
|
Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định, trực tiếp dẫn đến cách mạng Tháng Tám là ở Tân Trào. Bởi vì đó là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Thường vụ Trung ương đã quyết định và đã triệu tập Quốc dân Đại hội Tân trào. "Chính Quốc dân Đại hội Tân Trào lúc đó, mặc dù chưa có điều kiện tập hợp hết tất cả các đại diện tầng lớp dân chúng, nhưng cơ bản đã đại diện cho nhân dân Việt Nam những người yêu nước cách mạng để quyết định vấn đề hệ trọng nhất đối với cả đất nước. Đó là phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là quyết định lịch sử”.
Việc xây dựng lực lượng được thực hiện trong 15 năm từ 1930 đến 1945. Trong mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau, lực lượng cách mạng lại phát triển, được rèn luyện qua các phong trào như phong trào 1930-1931, phong trào dân chủ 1936-1939…Đồng thời, việc xây dựng lực lượng được xác định trên cơ sở tập hợp sức mạnh tổng hợp không phân biệt giai cấp, thành phần, tôn giáo từ nông dân, công nhân đến trí thức, trong một tổ chức thống nhất là Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh hay có tên gọi tắt là Mặt trận Việt Minh là một quyết định quan trọng và chính xác.
|
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19-8-1945. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
|
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sự ra đời, phát triển của mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt sáng tạo trong đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng, phát huy cao độ nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân tộc cho một cuộc vùng lên vĩ đại. "Thành công của Cách mạng Tháng 8 là sự tổng hòa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân mà yếu tố hàng đầu là yếu tố lãnh đạo. Quyết sách ấy là trên cơ sở của sự phát triển đường lối giải phóng dân tộc, đồng thời dựa trên những phân tích tình hình cách mạng thực tiễn ở Việt Nam, Đông Dương và thế giới. Quyết định của Đảng là phải khởi nghĩa ngay. Thứ 2 là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó linh hồn là Mặt trận Việt Minh. Thứ 3 là Đảng và Bác đã xử trí rất tài tình nhân tố thời cơ và nguy cơ".
Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc.
|
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
|
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kỳ “kháng chiến kiến quốc." Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn khi ta phải đương đầu với cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm…
Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội ra đời với các đại biểu đến từ tất cả các giai tầng trong xã hội, từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản, người dân tộc thiểu số thuộc mọi ngành, lĩnh vực văn hóa, tôn giáo…
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: Cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 đã để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng và nhân dân ta trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, đặc biệt là bài học về xây dựng đường lối chính trị và công tác tư tưởng tạo sự gắn kết, đoàn kết giữa các tầng lớp trong xã hội. "Có thể nói công tác tư tưởng của Đảng trong cao trào giải phóng dân tộc rất thành công, trước hết là khơi gợi tinh thần yêu nước mạnh mẽ, nêu cao ngọn cờ dân tộc, cho nên ở những thời điểm lịch sử quan trọng công tác tư tưởng càng phải được chú trọng. Bài học từ cách mạng tháng 8 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
78 năm trôi qua, Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng của lòng dân đã cho thấy bài học đoàn kết, lấy dân làm gốc có ý nghĩa sâu sắc, bởi gốc có vững, cây mới bền./.
Nguồn: vov.vn