Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã có nhiều bài viết đăng trên các báo quốc tế về việc bảo vệ môi trường, phê phán chủ nghĩa thực dân khai thác tài nguyên hủy hoại môi trường ở các nước thuộc địa. Người tố cáo thực dân Pháp đã đốt phá làng mạc, cầu đường, đê đập, vơ vét, cướp bóc những nguồn tài nguyên khoáng sản quý ở Đông Dương để kiếm lời, khai thác và chặt phá rừng bừa bãi, chẳng cần chú ý gây lại những gì chúng đã phá phách. Người tố cáo đế quốc Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học, bom napan, bom bi… để giết hại đồng bào ta, tàn phá đồng ruộng, đốt sạch làng xóm ở Việt Nam.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. (Ảnh tư liệu)
Sau này, trong những năm kháng chiến gian khổ, từ căn cứ địa cách mạng, Bác Hồ vẫn luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ tăng gia sản xuất, gữi gìn môi trường sống, vệ sinh nơi ở và làm việc, sống hòa hợp với thiên nhiên. Sau hòa bình lập lại, năm nào Bác cũng có những bài viết và những cuộc nói chuyện về môi trường.
Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ bảo vệ và tu bổ rừng, khai thác rừng phải đi đôi với bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng. Người nói: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng”. Người cho rằng “Trồng cây sẽ có gỗ để làm nhà. Cây cối còn làm cho đất nước tươi đẹp, người đi đường có cây cao bóng mát để nghỉ ngơi. Cây cối còn ảnh hưởng tốt tới khí hậu và sức khỏe của nhân dân”. Việc làm này theo Người “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ mùa màng, xóm làng, bảo vệ môi trường, hạn chế được những thiệt hại do mưa bão gây ra.

Khi ở vai trò Chủ tịch nước, nhà sàn trong Phủ Chủ tịch chính là nơi Bác hòa mình sống với thiên nhiên. Hiện nay, toàn bộ vườn cây trong Phủ Chủ tịch có đến 1.271 cá thể, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật; 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong đó, có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc Bác Hồ đã viết “Về việc riêng; Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn. Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”.
.jpg)
Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được nếu không có sự hợp tác, phối hợp với nhau. Đó là sự nóng lên của trái đất và nước biển dâng; sự biến đổi khí hậu và khí hậu khắc nghiệt; là tình trạng ô nhiễm môi trường (nước, không khí, tiếng ồn, phóng xạ..), dịch bệnh (covid-19, cúm, HIV/AIDS); là khủng hoảng năng lượng, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt (đất, nước, rừng, khoáng sản, động thực vật…), tình trạng tranh chấp tài nguyên thiên nhiên…Những điều ấy ảnh hưởng sâu sắc tới sản xuất, đời sống và tăng trưởng kinh tế của cả thế giới, buộc thế giới phải thay đổi suy nghĩ và chung tay hành động để “cứu lấy trái đất” trước những hiểm họa từ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và báo động.
Thực hiện Di huấn của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã nêu rõ: Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường./.
Minh Hùng