CHÚA SƠN LÂM VÀ CON VIRUS
Trong các bức tranh anh hùng tương ngộ xưa nay, chỉ thấy vẽ hổ với đại bàng, chưa ai so sánh chúa sơn lâm với con virus.
Trên rừng, hổ là chúa sơn lâm. Muôn loài đều là thức ăn của hổ. May mà hổ đẻ thưa và ít con. Nếu hổ đẻ nhiều, đẻ mau như thỏ thì thỏ và các loài nhỏ yếu khác làm sao sống nổi? Các loài bị ăn thịt hết thì hổ lấy gì ăn tiếp? Khi chuỗi thức ăn bị đứt gẫy, sự sống sẽ chấm dứt.
Nhỏ và yếu hơn hổ nhiều lần nhưng mèo lại có võ trèo cây khiến hổ không làm gì được mèo. Mèo thích ăn cá lại chẳng biết bơi. Có võ mà lại biết bơi thì cá tôm nào sống nổi?
Dưới đại dương, một con cá voi xanh có thể tiêu thụ đến 40 tấn con mồi mỗi ngày. Cá voi con mỗi ngày bú khoảng 500 lít sữa mẹ. May mà cá voi đẻ ít và thưa. Nếu đẻ dày như tôm tép thì mẹ con cá voi cùng chết vì đói. Tạo hóa thật biết cân bằng.
Trên thế gian này các loài khắc chế nhau nhưng lại phụ thuộc nhau, đó là sự cân bằng vĩnh cửu, là quy luật của sự sống. Nhưng ở Bắc Âu, trên bán đảo Scandinavia có loài chuột Lemming sống cực kỳ hạnh phúc vì chúng không hề có kẻ thù, không có thiên địch, không bị con nào khắc chế.
Nhưng sướng quá khiến chúng sinh đẻ vô tội vạ. Hàng năm, chúng phải trèo lên những vách đá bên bờ biển, rồi hàng triệu con thi nhau nhảy xuống biển và bơi mãi ra xa. Đến khi kiệt sức, chúng chìm xuống biển.
Việc ấy không phải là do "sướng quá hóa rồ". Thực ra là một cách tự kiểm soát mức tăng dân số quá khủng của loài chuột Lemming.
Chuột bơi xuống biển làm thức ăn cho cá. Cá lớn lại nuốt cá bé. Loài người lại săn bắt cá. Rồi chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai nảy sinh để bắt loài người tuân theo vòng tuần hoàn của tạo hóa, để chuỗi thức ăn trong tự nhiên được liền mạch.
Không ai bên lề của chuỗi sinh tồn đó. Không ai bên vỉa hè của sự phát triển. Ai cũng có chỗ đứng của mình trên thế gian rộng lớn này. Khi khinh bỉ ai đó, người ta bảo đó là đồ dĩn, muỗi. Nhưng chớ có coi thường. Thật không may khi bị con dĩn bay vào mắt.
Sinh vật trong thế giới tự nhiên này, con nào cũng có giá trị nhất định của nó. Một con cừu đen giống như vết bẩn trên bức thảm của đàn cừu trắng. Vì thế, cừu đen luôn bị ghẻ lạnh. Nhưng trong ngày bão tuyết trắng đất trắng trời, nhờ con cừu đen đủi đó, người ta mới tìm được cả đàn cừu lạc.
Vô tri vô giác như cái đồng hồ chết, 1 ngày vẫn đúng được 2 lần. Nhỏ đến vô hình như con virus corona vẫn khiến cả loài người phải khiếp sợ trong đại dịch Covid-19. Chúng biến chủng không ngừng, từ alpha, beta, gamma, delta, nay lại là omicron. Chúng đe dọa các quốc gia phải đóng cửa biên giới. Chúng thách thức những người tinh hoa nhất trong giới y học. Chúng thách thức một giống loài tinh khôn nhất trên hành tinh là loài người.
Con người đúng là giống loài tinh khôn nhất, có thể làm ra máy bay, tên lửa, bom nguyên tử, vũ khí hủy diệt, dường như cái gì cũng làm được. Nhưng không thể dùng tên lửa siêu thanh để bắn con virus siêu hình. Sống chung với Covid hiện nay không phải là đầu hàng nó, mà vì con người chưa thể chiến thắng. Đó phải chăng cũng là một cách cân bằng của tự nhiên?
Thông minh nhất là hòa hợp với tự nhiên nhất, là nằm trong sự cân bằng của tự nhiên. “Bạt núi đồi ta moi đất làm gang, ngăn thác lũ ta bắt sông làm điện”, đó là những vần thơ của một thời lãng mạn. Dời non lấp bể, cải tạo tự nhiên luôn là khát vọng của con người. Nhưng có khi nó cũng lãng mạn, phiêu lưu như hiệp sĩ Đông Ki Sốt quyết chiến với cối xay gió.
Từ bé chúng ta đã được đọc truyện “Trí khôn của ta đây”. Con hổ không biết vì sao con người bé nhỏ như vậy mà lại bắt được con trâu to lớn kéo cày. Đến khi bị lừa trói vào gốc cây, bị đốt suýt chết, hổ mới nhận ra được sức mạnh trí khôn của con người.
Trí khôn là niềm tự hào của con người, chứng tỏ được sự vượt trội của con người so với các giống loài khác. Con người yếu đuối không có nanh sắc như hổ, sừng nhọn như trâu, nhưng nhờ có trí khôn nên đã thống trị được thế giới.
Nhưng con người cũng đừng vì thế mà quá tự mãn. Con virus nhỏ li ti đang khiến con người to lớn phải suy nghĩ lại về "trí khôn của ta đây". Trâu cười hổ ngu dốt, cười đến nỗi gẫy mất một hàm răng. Đó cũng là lời cảnh báo về tự mãn và đắc thắng.
Chúa sơn lâm và con virus, chưa chắc ai mạnh hơn ai. Chỉ có tự nhiên là vô địch. Tự nhiên là tuyệt đối cân bằng. Tạo hóa là tuyệt đối công bằng. Không thế sao gọi là hóa công?
dhq