Đổi mới luôn bị phản đối
Xưa nay trong lịch sử, cải cách, đổi mới luôn bị phản đối. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng, cải cách không vấp phải phản đối là cải cách tồi và cần phải xem lại.

Ảnh minh họa
Ở Trung Quốc, ngay từ thời Tam Quốc, “tân chính” (chính sách mới) đã khiến tác giả của nó là Tư Mã Ý nhiều lần bị quần thần phản đối, mấy bận bị tống giam, thậm chí còn bị ám sát nhưng may mà giữ được mạng sống. Lý do là “tân chính” lấy lại ruộng đất công bị giới quý tộc chiếm hữu, hạn chế quyền lợi của nhóm quan lại thân thích trong dòng họ Tào Tháo.
Vương An Thạch, đời Tống cũng là đối tượng bị công kích khi đề xuất thi hành “tân pháp”. Dân đang phải vay của địa chủ với lãi suất 100 phân thì với phép “thanh miêu”, ông đề nghị triều đình cho dân vay tiền khi lúa còn xanh, khi lúa chín chỉ cần trả lại 2 phân lời.
Với phép “thị dịch”, nhà nước mua đỡ các nhà buôn những hàng hóa không bán được để bán, giúp tiểu thương và tiểu công nghệ trụ được qua lúc khó khăn. Vương An Thạch còn cho lập trường học khắp nơi; cho dạy các khoa học chuyên môn như luật học, y học và dùng người có chân tài làm thày dạy để thúc đẩy đổi mới.
Ở Việt Nam, khi nói đến đổi mới nông nghiệp, chúng ta nhớ về Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - “ông khoán 10” theo cách gọi của nông dân. Thời điểm ông Kim Ngọc khởi xướng “khoán hộ” cách đây đã hơn nửa thế kỷ, nhưng tư duy, dũng khí đổi mới của Kim Ngọc vẫn còn nguyên giá trị.
Trong những năm 60, tư duy vượt trước thời đại của Kim Ngọc là điều bất thường. Sợ rằng “khoán hộ” dẫn tới làm ăn cá thể, đi ngược lại con đường tập thể, cấp trên đã yêu cầu đồng chí Bí thư Vĩnh Phú kiểm điểm.
Sinh thời, ông Phạm Dụ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kể lại rằng, dự buổi kiểm điểm, mọi người đều nghĩ mô hình “khoán hộ” không sai, vì làm cho dân no ấm mới là mục tiêu của con đường XHCN. Nhưng trong xu thế ngày ấy, “khoán hộ” cuối cùng cũng không được thực hiện nữa.
Sau khi “khoán hộ” ở Vĩnh Phú phải dừng bước, Hải Phòng còn tiếp tục “khoán chui ” được nông dân rất đồng tình ủng hộ. 20 năm sau khi ông Kim Ngọc khởi xướng “khoán hộ”, năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, còn gọi là “khoán 10”. Và cũng kỳ diệu như ở Vĩnh Phú cuối những năm 60, chỉ hai năm sau thực hiện “khoán 10”, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trầm trọng trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.
Tam nông (nông thôn, nông nghiệp, nông dân) đang là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm hiện nay. Để nông dân không đứng bên lề sự phát triển, rất cần trí tuệ và bản lĩnh của những người lãnh đạo vì dân như ông Kim Ngọc. Đồng thời cũng rất cần những người lãnh đạo biết lắng nghe, trân trọng và bảo vệ cái mới. Bởi cái mới, cái khác lạ không phải bao giờ cũng được chấp nhận ngay.
Trên thế giới xưa nay, cái mới làm thay đổi hoặc đi ngược lại những cái hiện hành, vì vậy, thường bị phản đối. Có khi còn bị coi là những ý tưởng “điên rồ”.
Cuối thế kỷ XIX, một người Ý là Marconi đã ước mơ về một hệ thống có thể truyền tải âm thanh từ nơi này sang nơi khác mà không cần dây dẫn. Khi ông thông báo rằng mình đã khám phá ra nguyên lý để truyền những thông điệp qua không gian, người ta đã tống ông vào một bệnh viện tâm thần.
Không chịu khuất phục, Marconi đã tìm tòi, sáng chế và trở thành người sáng lập Công ty Tín hiệu & Điện báo không dây vào năm 1897. Thực tế ngày nay từ tivi, điện thoại di động đến vệ tinh viễn thông đã chứng tỏ Marconi không hề hoang tưởng, tâm thần. Chỉ là tư duy của ông đã vượt quá xa những người đương thời.
Ước mơ có một chiếc xe tự chạy được thay cho ngựa kéo đã đưa Henry Ford, một người học vấn ở trường rất khiêm tốn, không một xu dính túi, không có người nâng đỡ trở thành chủ hãng xe hơi ở Mỹ. Khi Henry Ford muốn cải tiến để chế tạo chiếc xe hơi với một động cơ gồm 8 xi lanh, các kỹ sư hàng đầu đều cho là điều không tưởng.
6 tháng tìm tòi, thiết kế, không có tiến triển gì. Nhưng Ford vẫn yêu cầu họ cố gắng hết sức. Rồi 6 tháng nữa lại trôi qua cũng không có gì khả quan. Họ nói với Ford đây là điều không thể. Ông vẫn kiên trì yêu cầu làm bằng được và cuối cùng, chuyện không tưởng đã thành hiện thực. Bản lĩnh sáng tạo, đổi mới đã làm nên tên tuổi Henry Ford, cha đẻ của ngành ô tô hiện đại, một huyền thoại của thế kỷ XX.
Gần đây nhất là những câu chuyện sáng tạo của người Do Thái Israel. Cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” (Nhà xuất bản Thế giới, năm 2013) kể chuyện các kỹ sư Israel làm ra bộ định tuyến (rounter), chức năng tương tự như những modem để kết nối máy tính với internet. Nếu internet giống như một dòng sông cuồn cuộn thông tin thì bộ định tuyến giống như nơi giao nhau của những nhánh sông, và cũng là điểm nghẽn cổ chai, quyết định tốc độ khi kết nối internet.
Người Do Thái Israel đề xuất cần có một bộ định tuyến khổng lồ CRS-1. Ý tưởng cải tiến của nhóm kĩ sư Do Thái bị giới chủ quyết liệt phản đối. Tony Bates của hãng Cisco nói: “lúc đó internet còn rất mới mẻ nên người ta nghĩ chúng tôi bị hâm”.
Khi thành công, CRS-1 có khả năng tải xuống bản in của toàn bộ sách trong thư viện Quốc hội Mỹ trong vòng 4,6 giây (nếu dùng một modem dial-up thông thường thì việc này phải mất tới 82 năm). Người Israel còn thiết kế được chip điện tử với những bóng bán dẫn nhỏ đến mức có thể xếp vừa 30 triệu chiếc trên đầu một cái đinh. Trước khi thành công, đó là điều không thể, là chuyện không tưởng.
Ở một quốc gia Trung Đông khác, Chính phủ đặt ra mục tiêu phải rút giảm thủ tục mua sắm tài sản công từ 60 ngày xuống còn 6 phút. Đây là nhiệm vụ đầu tiên đặt ra cho một bộ có cái tên lạ đời - Bộ Không gì là không thể. Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thành lập Bộ Không gì là không thể, có nhiệm vụ giải quyết những khoảng trống trong quản lý nhà nước ngay từ khi nó chưa phát sinh.
Lý giải cho sự ra đời của Bộ Không gì là không thể, Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Sheik Mohammed Bin Rashid cho rằng, thế giới đang biến chuyển quá nhanh, đòi hỏi Chính phủ phải thường xuyên được tái cơ cấu. Chính phủ không thể thụ động chờ vấn đề nảy sinh rồi mới tìm cách giải quyết. Bộ Không gì là không thể phải lường trước những vấn đề sẽ phát sinh, từ đó cung cấp dịch vụ ngay từ trước khi người dân có nhu cầu. "Không thể" là từ không được phép xuất hiện trong từ điển của Chính phủ UAE.
Quyết định thành công của cải cách, đổi mới là yếu tố con người. Giống như quan điểm vun đắp nhân tài ngày xưa của Vương An Thạch đời Tống, ngày nay, Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cho biết, Bộ Không gì là không thể còn được giao nhiệm vụ phát hiện, vun đắp nhân tài, xem đây là yếu tố then chốt để chủ động trước các thách thức mới nhất trong tương lai.
dhq
(Nguồn: Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản, 25/2/2020)