NÉT RIÊNG NGƯỜI VIỆT
Khi học ở Canada, nghe giảng viên và bạn bè các nước nói “người Việt các bạn hay cười và thích ngủ trưa”, tôi chưa để ý lắm. Dự hội thảo gần đây, nghe GS, TS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - dẫn lời cựu Tổng thống Mỹ George Bush bảo “người Việt Nam nào gặp tôi cũng cười”, thành ra tôi ngẫm nghĩ có cái gì đó là nét riêng của chúng ta.

GS.Vũ Minh Giang và tác giả tại Hội thảo Đối ngoại nhân dân do Liên hiệp hữu nghị Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, mùa Xuân 2025.
Hai nước láng giềng Việt Nam và Trung Quốc vốn có văn hóa gần gũi, tương thông, nhưng Bắc - Nam ngàn năm vẫn khác. Bên Trung Quốc có các triều đại Hán - Đường - Tống - Nguyên thì Việt Nam có Đinh - Lý - Trần - Lê, mỗi bên hùng cứ một phương. Nhà Đinh do vua họ Đinh (Đinh Bộ Lĩnh) khai mở, nhà Lý do vua họ Lý (Lý Công Uẩn) sáng lập.
Trung Quốc thì khác, triều đại đặt tên theo vùng đất của lãnh tụ. Nhà Hán không phải của vua họ Hán mà do người họ Lưu (Lưu Bang) khai mở từ đất Hán Trung. Nhà Đường do cha con Lý Uyên sáng lập tại đất Đường (tên cũ của nước Tấn, thuộc tỉnh Sơn Tây ngày nay).
Mãn Thanh là nước xâm lược và cai trị Trung Quốc, sau trăm năm thì bị Trung Quốc đồng hóa, bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Trung Quốc cai trị Việt Nam trong nghìn năm Bắc thuộc, nhưng người Việt vẫn không bị đồng hóa, nước Việt vẫn giữ được nền độc lập.
Thế giới đã và đang nghiên cứu cái gì là cốt cách, là căn tính tạo thành sức mạnh Việt Nam. Căn tính dân tộc là một khái niệm lớn, chưa dễ thống nhất cách hiểu, nên bài này có lẽ chỉ nhỏ nhẹ nói về vài nét riêng Việt Nam.
Người Việt Nam hay cười, thân thiện, luôn lấy hòa hiếu làm đầu nhưng khi kẻ thù buộc ta phải cầm vũ khí thì chưa có thế lực nào cản được.
Theo GS, TS Vũ Minh Giang, lịch sử Việt Nam là một lịch sử rất không bình thường. Thế kỷ XIII ta 3 lần đánh thắng Mông Cổ - đế quốc đã xâm lược hầu hết châu Á và châu Âu; chiến thắng Điện Biên 1954 lừng lẫy năm châu; đại thắng mùa xuân 1975 chấn động địa cầu, đều là những câu chuyện kỳ vĩ loài người không thể tưởng tượng nổi có một nước nhỏ bé đã đánh thắng các đế quốc hùng mạnh nhất mọi thời đại.
Dân tộc nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Người Việt thời chiến rất đoàn kết, nhưng thời bình thì có lúc lại kém đồng thuận. Yêu hòa bình, thích yên ổn nên người Việt cũng không ưa mạo hiểm, không thích khám phá. Trong khi người nước ngoài từ lâu đã thám hiểm Nam Cực, đo đáy các đại dương, cắm cờ trên Mặt Trăng, thì hang động tự nhiên lớn nhất thế giới Sơn Đoòng mới được phát hiện gần đây ở tỉnh Quảng Bình.
Người Việt mạnh về thơ phú văn chương hơn là phát minh sáng chế. Các phát minh làm thay đổi thế giới đều không khởi phát từ nước ta. Giấy, la bàn, thuốc nổ là phát minh của Trung Quốc; máy in, thuốc kháng sinh, động cơ hơi nước là của châu Âu; điện, máy tính, internet là của Mỹ...
Phải chăng người Việt hướng nội hơn hướng ngoại? Triều Nguyễn, có một người cấp tiến trong giới tinh hoa là Nguyễn Trường Tộ. Ông Tộ kiến nghị phải thành lập Bộ Ngoại giao bên cạnh lục bộ truyền thống, noi theo nước Xiêm La (Thái Lan) hợp tác với nước ngoài, noi theo nước Nhật Bản học hỏi ngoại bang để tự cường trước họa xâm lăng mới từ phương Tây.
Tiếc thay, tâm huyết của Nguyễn Trường Tộ không được quần thần nhìn nhận, kiến nghị của ông bị triều đình bỏ qua. Nhà Nguyễn thực thi “bế quan tỏa cảng” là do quá cảnh giác, quá lo sợ người nước ngoài. Có lẽ là do ám ảnh về người nước ngoài phản bội trong câu chuyện xưa Mỵ Châu - Trọng Thủy.
Cảnh giác nhưng phải tỉnh táo. Địa chính trị của đất nước khiến chúng ta không thể không coi trọng công tác đối ngoại. GS, TS Vũ Minh Giang nói muốn vươn lên trong kỷ nguyên mới, Việt Nam nhất định phải nhớ bài học triều Nguyễn thế kỷ XIX đã không nhanh nhạy, đã để lãng phí thời cơ hợp tác với nước ngoài.
Ngoại giao nhân dân hiện nay cần huy động sức dân, trong đó có vai trò to lớn của đội ngũ doanh nhân và các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, giúp nước ta đẩy mạnh khoa học công nghệ.
Về khoa học công nghệ, có lẽ cũng nên xem thêm mấy dòng ghi trong cuốn “Việt Nam sử lược” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021). Học giả Trần Trọng Kim cho rằng người Việt Nam trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ; tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, nông nổi, không kiên nhẫn.
Nhà sử học Trần Trọng Kim cũng khẳng định nghìn năm bị đô hộ, thế mà sau lại lập được nền tự chủ, ấy là đủ tỏ rõ khí lực của người mình. Tuy rằng mình chưa làm được việc gì cho vẻ vang bằng người, nhưng mình còn có thể hy vọng một ngày kia cũng nên được một nước cường thịnh./.
dhq (Bài đăng chuyên san Hồ sơ sự kiện, ngày 10/5/2025).