Đất Tổ Hùng Vương - Linh thiêng nguồn cội
Rước kiệu về Đền Hùng trong Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019. Ảnh: đinh vũ
PTĐT - Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người con đất Việt, Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, được vun đắp qua nhiều thế hệ; trở thành điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết cộng đồng dân tộc.
Từ bao đời nay, người Việt vẫn thường truyền nhau: “Cây có cội, nước có nguồn”, để nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn Quốc Tổ Hùng Vương dựng nước và những bậc tiền nhân đã khẩn hoang, mở mang bờ cõi, dựng xây và giữ gìn. Những câu ca về cội nguồn dân tộc đã ăn sâu, ngấm vào máu thịt các thế hệ, đời nọ nối đời kia, giúp chúng ta hiểu tình cảm sâu đậm, gắn kết của hai chữ “đồng bào” và ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, của những người con cùng chung dòng máu Lạc Hồng, lấy đoàn kết, yêu thương, đùm bọc làm nên sức mạnh. Tinh thần và tình cảm cộng đồng như hòa trong một gia đình Tổ quốc lớn lao hơn, thể hiện ở việc thờ cúng Quốc Tổ. Đây có lẽ là sự độc đáo ít có ở bất cứ dân tộc nào trên thế giới và thế giới cũng ghi nhận điều ấy khi UNESCO đã vinh danh, công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012.
Theo đánh giá của UNESCO: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với Tổ tiên. Bên cạnh đó, sức sống trường tồn và mạnh mẽ của tín ngưỡng này cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng cũng là một trong những ưu điểm góp phần nâng cao giá trị của di sản. Điều này càng khẳng định vị trí, tầm quan trọng của tục thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng trong đời sống văn hóa của dân tộc.
Cũng theo UNESCO: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng nghìn năm nay. Tín ngưỡng không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt vào các vị thánh thần bảo hộ, mà còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước. Từ đó góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi của người Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, từ hàng ngàn năm nay, cứ dịp mùng 10 tháng Ba hàng năm, con dân đất Việt từ mọi miền Tổ quốc lại cùng hướng về vùng đất cổ Phong Châu, về đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh cùng thực hành nghi thức cúng tế trong ngày Giỗ Tổ. Ngay sau sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng của thực dân, đế quốc. Chín năm sau, chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 19/9/1954, Đền Hùng là nơi ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt khi Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn đặc biệt này không chỉ thể hiện lòng biết ơn, thành kính tổ tiên, đồng thời cũng là lời thề quyết tâm bảo vệ Tổ quốc với tổ tiên tại ngôi đền thiêng của dân tộc.
Lòng biết ơn, thành kính tổ tiên cũng đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969: “Từ lòng biết ơn đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và Tổ tiên gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng và phụng thờ một Tổ tiên chung của toàn dân tộc - các Vua Hùng”.
Chung một gốc gác tổ tiên và ngày Giỗ Tổ là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn. Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương là thời khắc đặc biệt để mỗi người mang trong mình dòng máu Việt cùng hướng về Đền Hùng linh thiêng, nơi phụng thờ công đức tổ tiên, biểu tượng tinh thần dân tộc, cùng nhau thành kính hướng về nguồn cội. Những năm qua, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng, quy củ theo một nền nếp chuẩn mực, đầy đủ các nghi thức truyền thống đúng tầm Quốc lễ. Vùng Đất Tổ Phú Thọ có Đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh là nơi diễn ra những hoạt động chính của ngày lễ trọng, nhưng ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhân dân và các cấp chính quyền cũng thành kính tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng và rộng hơn là những nghi lễ Giỗ Tổ của cộng đồng Việt kiều ở các nước trên khắp thế giới bái vọng về nguồn cội.
Ý thức được trọng trách của vùng đất khởi nguồn dựng nước, nơi có đền thờ và mộ Tổ Hùng Vương, từ nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp các địa phương trong cả nước tổ chức tốt Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng, đón tiếp và bảo đảm an toàn cho hàng triệu lượt du khách, người hành hương trẩy hội. Tỉnh đã tu bổ, xây dựng nhiều hạng mục công trình tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng và triển khai đề án về phục dựng các lễ hội truyền thống trên địa bàn với trọng tâm là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hằng năm, quy tụ trong phần hội các sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu của vùng đất cổ Phong Châu và các vùng, miền trong cả nước. Trong đó chú trọng yếu tố đổi mới với những điểm nhấn sự kiện hằng năm, vừa mang ý nghĩa giáo dục, vừa tạo điều kiện sinh hoạt vui chơi, thưởng thức nghệ thuật cho nhân dân và du khách.
Năm 2020, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức quy mô cấp Quốc gia, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức. Tuy phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống lây lan dịch COVID-19, chương trình năm nay mặc dù phải điều chỉnh nhiều nội dung, song vẫn đảm bảo tổ chức trang nghiêm, thành kính, an toàn, tiết kiệm. Theo kế hoạch mới điều chỉnh, Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 chỉ tổ chức 3 hoạt động lễ chính gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày 29/3/2020 (tức mùng 6/3 âm lịch); Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 2/4/2020 (tức mùng 10/3 âm lịch). Ban Tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý - 2020 kêu gọi đồng bào cả nước tiếp tục thực hiện “mâm cơm tri ân” do gia đình tự chuẩn bị, đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung vào ngày 10/3 âm lịch.
“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca này đã in sâu trong tâm thức của mỗi người con đất Việt từ nhiều đời nay. Thông điệp từ Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ dừng lại ở việc thờ cúng, biết ơn người sáng lập ra đất nước mà còn mở rộng quy mô, nâng tầm thành một loại hình tín ngưỡng của người dân Việt Nam, là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc.
Hồ Đại Dũng
Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Trưởng Ban Tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020
Nguồn: Báo Phú Thọ