Từ "Cao sơn cảnh hành" đến ý nghĩa hoành phi câu đối ở Đền Hùng
Ngay từ thang bậc đầu tiên con cháu bước lên, tại cổng chính Đền Hùng ta bắt gặp bức đại tự 4 chữ Hán lớn, đọc từ phải qua trái “Cao sơn cảnh hành”. Bốn chữ thôi mà đã thấy biết bao ý nghĩa, hàm ý sâu xa trong ấy được các bậc tiền nhân mượn lời đúc kết.
Cổng Đền Hùng với bức đại tự “Cao sơn cảnh hành” và các câu đối.
Bốn chữ ấy vốn được lấy trong Kinh Thi bộ sách Tứ Thư Ngũ Kinh ông cha ta sử dụng trong khoa cử thời xưa và trích ra từ bài Xa Hạt, phần Tiểu Nhã được thể hiện ngay ở hai câu thơ đầu “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ” nghĩa là: Núi cao để ngưỡng trông, đường lớn dùng để đi và có thể dịch thơ rằng: Núi cao thì để ngưỡng trông, đường lớn là để đồng lòng dân đi. Rõ ràng lên núi cao nhìn ngắm, lên núi thì phải có đường, mà con đường lớn để đồng bào và nhân dân cùng đi, cùng theo tạo nên sự đoàn kết một lòng của toàn dân tộc, đi cùng một con đường triệu người như một leo lên đến đỉnh núi Hùng thắp cho tiên Tổ một nén tâm nhang. Con đường tâm linh, con đường đoàn kết, đích cuối cùng con đường đưa tới là để tri ân công đức tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.
Bên dưới đại tự cổng chính “Cao sơn cảnh hành” là hai đôi câu đối chữ Hán được tạc theo lối Khải thư (chữ Khải) đẹp chuẩn mực mà đong đầy ý nghĩa:
Đôi câu đối ở giữa:
Thác thủy khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn
Nghĩa là: Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông về một mối
Lên cao nhìn khắp, nghìn trùng đồi núi tựa cháu con
Nơi này là đất gốc, đất cội nguồn dân tộc mà các Vua Hùng đã lựa chọn định đô trên mảnh đất sơn chầu thủy tụ, mảnh đất ấy sẽ quy tụ non sông về một mối.
Đôi câu đối bên cạnh:
Đăng giả hệ hà tư, vạn cổ giang sơn đế tạo thủy
Giai tai do vượng khí, thiên niên thành quách úy thông gian
Nghĩa là: Lên đây nhớ về cội, muôn thuở giang sơn chốn này tạo dựng
Đẹp thay nhờ vượng khí, nghìn năm thành quách cây cỏ tốt tươi
Ngay từ cổng đền chính đã như một thông điệp nhắc nhở con cháu muôn đời khi về với Đền Hùng lên đến đây là sẽ biết và nhớ đây là cội nguồn dân tộc, bởi giang sơn này được khởi nguồn, tạo dựng từ đây.
Tại quần thể di tích có 55 đôi câu đối, trong đó có 5 đôi câu đối Nôm, 19 đôi câu đối chạm đá hoặc khắc tường còn lại là bằng chất liệu gỗ. Cũng giống như hoành phi, dù câu đối mặt phẳng hay lòng máng, gắn tường, chạm đá hay trên gỗ đều đang truyền tải cho hậu thế những ý nghĩa to lớn mà ông cha ta đã lựa chọn gửi gắm vào đây tinh thần dân tộc, khẳng định chủ quyền từ thời các Vua Hùng đã dựng nước.
Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ
Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, tam giang khâm đái thượng triều tôn
Nghĩa là
Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô, non sông Bách Việt đã có Tổ
Núi sáng linh thiêng, cố cung lập thành miếu, ba sông một dải hướng về nguồn
Trên đỉnh Kính thiên lĩnh điện tại Đền Thượng, nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu Lạc tướng, triều thần tế lễ cầu cho mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh.
Điện Kính Thiên tại Đền Thượng
Vẫn còn đây ngút ngàn linh khí, linh ứng tinh anh của cha rồng mẹ tiên phù trì cho bách gia trăm họ trong câu đối tại Đền Thượng:
Thông thông úy úy, trung hữu lăng yên, tẩm yên, long phụ tiên mẫu chi tinh linh, khải hữu hậu nhân võng khuyết
Cổ cổ kim kim, kiến thử sơn dã, thủy dã, thánh tổ thần tôn chi sáng tạo, ư hy tiền vương bất vong
Nghĩa là:
Giữa cỏ cây tươi tốt có lăng, có tẩm, linh khí cha rồng mẹ tiên phù hộ đời sau không chỗ nào sót
Suốt xưa đến nay, thấy núi, thấy sông, ấy là sáng tạo của bậc thánh tổ thần tôn, ư hy tiền nhân công đức chẳng hề quên
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam từ buổi đầu các Vua Hùng chọn đất đóng đô, chọn được đất linh, đất đẹp có sơn chầu thủy tụ, hay ghi nhớ công đức của các Vua Hùng đã thôi thúc ông cha ta chép lại, ghi lại bằng những mỹ tự rồi tạc, chạm trên hoành phi, câu đối để giáo dục, răn dạy đồng thời lưu lại muôn đời cho con cháu mai sau. Chỉ còn đó bên lăng bên tẩm, để mỗi dịp mồng mười tháng ba con cháu mọi miền Tổ quốc về viếng Tổ, thắp nén tâm nhang thành kính và mãi khắc ghi trong mình dòng máu Lạc Hồng, giống nòi mãi nhớ mồ ông, đúng như câu đối Nôm khắc bên lăng Hùng Vương:
Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà non nước vẫn quay về Đất Tổ
Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông.
Lăng Vua Hùng thứ 6
Nguồn: Báo Phú Thọ