Cùng với Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU sẽ là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được Nghị viện châu Âu (EP) khóa mới xem xét phê chuẩn. Hiệp định EVIPA được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững.
Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA được rà soát pháp lý vào tháng 8/2018 và được chuyển từ song phương sang đa phương vì hiệp định này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện các nước thành viên EU mới có thể thực thi. Phần lớn các cam kết song phương đều được tôn trọng và cả EU và Việt Nam đều cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư bên kia cũng như đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản cùa nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng;…
Đáng chú ý, so với so với các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU trước đây thì các cam kết trong EVIPA được xây dựng chi tiết hơn và tiến bộ hơn. Điều đó sẽ giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, Hiệp định này có tiêu chí rõ ràng cho từng hành vi mà nhà nước không được thực hiện; bổ sung một số các quy định nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia nhận vốn đầu tư, nhất là đối với các chính sách về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn môi trường, người tiêu dùng, đa dạng văn hóa...; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực thay cho cơ chế theo vụ việc, theo đó tranh chấp được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực với 2 cấp xét xử sơ cấp và phúc thẩm với các thành viên do Việt Nam và EU lựa chọn… Có thể khẳng định, việc ký kết EVIPA là một thắng lợi to lớn trong quan hệ kinh tế, chính trị và đầu tư quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế từ đó thúc đẩy vốn đầu tư từ EU và các nước khu vực khác vào Việt Nam trong giai đoạn tới.
Hiệp định EVIPA dành riêng một điều khoản quy định về trưng dụng; trong đó, có những nội dung đáng chú ý (đặc biệt là về trưng dụng đất đai) như sau:
Thứ nhất, một bên không được quốc hữu hóa hoặc trưng dụng các khoản đầu tư được bảo hộ của các nhà đầu tư của bên kia trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các biện pháp tương đương với quốc hữu hóa hoặc trưng dụng, trừ trường hợp vì mục đích công cộng, được thực hiện thông qua quy trình hợp pháp, dựa trên cơ sở không phân biệt đối xử, và được bồi thường nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả.
Thứ hai, khoản bồi thường theo quy định nêu trên phải bằng giá trị thực của khoản đầu tư được bảo hộ ngay trước khi bị trưng dụng hoặc trước khi nguy cơ bị trưng dụng trở nên công khai; tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các khoản bồi thường này có thể bao gồm lãi suất của khoản tiền chậm bồi thường.
Thứ ba, trường hợp Việt Nam là bên trưng dụng, bất kỳ biện pháp trưng dụng trực tiếp nào liên quan đến đất đai cần phải đảm bảo yêu cầu vì mục đích phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện hành và thanh toán tiền bồi thường tương đương với giá thị trường.
Thứ tư, nếu nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi việc trưng dụng mà không đồng ý với việc trưng dụng hay số tiền bồi thường thì có quyền yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan độc lập khác xem xét lại vấn đề mà mình chưa đồng ý nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Như vậy, với Hiệp định EVIPA, Việt Nam đã cam kết bảo hộ với khoản đầu tư của nhà đầu tư châu Âu (trong đó có đất đai) và ngược lại, đây là cơ sở pháp lý vững chắc để các nhà đầu tư châu Âu an tâm đầu tư vào Việt Nam (không phải lo lắng bị quốc hữu hóa), trong đó có đầu tư về bất động sản.
Hi vọng, Hiệp định EVIPA là cú hích mạnh để thu hút nhà đầu tư châu Âu vào thị trường bất động sản Việt Nam, từ đó thị trường bất động sản nước nhà ngày một lớn mạnh.
Vân Anh