Sang năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21%, tương ứng tăng 73,74 tỷ USD so với năm 2016. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2%, tương ứng tăng 37,44 tỷ USD, tổng trị giá nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 21%, tương ứng tăng 36,3 tỷ USD so với năm 2016.
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2017, xuất khẩu bình quân đầu người đã bắt đầu vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 (đạt 2.552 USD so với mục tiêu 2.000 USD vào năm 2017).
Năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 480,17 tỷ USD, tăng 12,2% (tương ứng tăng 52,05 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% và nhập khẩu đạt 236,69 tỷ USD, tăng 11,1%.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD (đạt 517,26 tỷ USD, tăng 7,6%, tương ứng tăng 36,69 tỷ USD so với năm 2018). Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% và nhập khẩu đạt 253,07 tỷ USD, tăng 6,8%.
Năm 2020, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực vượt bậc, Việt Nam vẫn đạt được kỷ lục mới về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,4% với năm 2019. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7,0% tương ứng tăng 18,39 tỷ USD và nhập khẩu đạt 262,70 tỷ USD, tăng 3,7% tương ứng tăng 9,31 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước vào cuối năm 2020 đạt giá trị thặng dư 19,95 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Năm 2016, Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu 2,52 tỷ USD.
Về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn giai đoạn 2016 – 2020 đạt 10,5%. Bộ Công Thương nhận định, mặc dù thấp hơn các giai đoạn trước (17,9% và 19% của giai đoạn 2011-2015 và 2006-2010) song vẫn cao hơn rất nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Kết quả này một phần rất lớn là nhờ hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (như Samsung). Bên cạnh đó, là việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, và EVFTA, đóng góp đáng kể giúp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Như vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, hoạt động xuất nhập khẩu cả nước luôn đạt mức tăng trưởng cao qua từng năm và tính chung trong 5 năm đạt hơn 2.300 tỷ USD.
Cũng trong giai đoạn 2016 – 2020, cơ cấu hàng xuất khẩu đã đảm bảo đúng mục tiêu đề ra tại Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng trên 80%; tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm trên 10% và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong điều kiện khó khăn trong năm 2020, Việt Nam đã có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Năm 2020, Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD), EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD)…
Theo: Ngoại giao kinh tế