Giới thiệu tóm tắt về thành phố Việt Trì
Thành phố Việt Trì là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Thọ- trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh với diện tích 11.152,76 ha; dân số 215.299 người; có 22 đơn vị hành chính, gồm 13 phường và 09 xã. Thành phố Việt Trì còn được biết đến với tên gọi “Thành phố ngã ba sông”, là địa phương có bề dày về lịch sử và truyền thống cách mạng. Ngay từ buổi bình minh dựng nước, các Vua Hùng đã chọn vùng đất này làm “Kinh đô” của nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Quá trình hình thành và phát triển thành phố Việt Trì là quá trình nối tiếp giữa truyền thống và hiện đại để tạo nên tầm vóc của một vùng đất linh thiêng, mang đậm bản sắc văn hóa và giàu tiềm năng phát triển- Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Trải qua nhiều giai đoạn quy hoạch và xây dựng, nhất là từ khi trở thành một trong 12 đô thị vùng của cả nước đã khẳng định vai trò, vị trí hết sức quan trọng của Việt Trì trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh và cả vùng Tây Đông Bắc Bộ. Việt Trì có Quốc lộ 2, Quốc lộ 32C chạy qua nối thành phố với các tỉnh phía Bắc, Cầu Văn Lang nối thành phố với Hà Nội, Cầu Việt Trì, Cầu Hạc Trì, nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC7)... tạo điều kiện thuận lợi liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Các công trình văn hóa như: Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang, Cầu đi bộ, Trung tâm thương mại BigC, Vincom, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn- Phú Thọ; chợ trung tâm và các tuyến phố đi bộ khu vực Quảng trường Hùng Vương, phố ẩm thực đường Nguyễn Du, đường Tiên Dung… tạo điểm nhấn vô cùng hấp dẫn cho Nhân dân và du khách khi đến với thành phố. Những yếu tố trên đã tạo cho Việt Trì có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của vùng kinh tế trọng điểm vùng Tây Bắc.
Cùng với truyền thống dựng nước và chống giặc ngoại xâm oanh liệt là truyền thống xây dựng nên các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc, trong đó Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hai di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thành phố hiện có 43 di sản văn hóa phi vật thể gồm: 04 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn văn hóa dân gian; 04 di sản thuộc loại hình tập quán xã hội; 33 di sản thuộc loại hình Lễ hội truyền thống hiện đang được duy trì tổ chức thường xuyên, 02 Lễ hội thuộc loại hình Văn hóa thể thao và du lịch mới được tổ chức từ năm 2016. Di sản văn hóa vật thể có 117 di sản, gồm: 37 đình, 20 đền, 37 chùa, 02 lăng, 01 di chỉ khảo cổ học, 04 di tích lưu niệm, 16 miếu. Đến nay đã có 55 di tích và cụm di tích đã được xếp hạng (trong đó có: 01 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt- Di tích lịch sử Đền Hùng , 13 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 41 di tích xếp hạng cấp tỉnh).
Năm 2020, thành phố Việt Trì đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt xây dựng trở thành "Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam". Với lợi thế cảnh quan, lịch sử, văn hóa từng bước được khai thác đánh thức tiềm năng về du lịch, với các di tích danh thắng như: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng; Làng cổ Hùng Lô, khu du lịch Bạch Hạc - Bến Gót; cụm di tích
Đền Tam Giang - chùa Đại Bi; Đền Thiên Cổ Miếu- nơi thờ thầy giáo đầu tiên của dân tộc Việt Nam... là những điểm nhấn thực sự lôi cuốn khách phương xa. Đến Việt Trì, du khách còn được thưởng thức những hương vị đậm đà, quyến rũ của "Ẩm thực cội nguồn" với các món đặc sản nổi tiếng như: Cá Anh Vũ, mỳ gạo Hùng Lô, hồng Hạc Trì,... và nhiều sản vật đặc trưng khác.
Việt Trì có kết cấu hạ tầng phát triển nhanh, đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu cho sản xuất và đời sống. Với các thành tựu đã đạt được và tiềm năng, lợi thế sẵn có đang mở ra triển vọng mới, tạo thế và lực cho Việt Trì trên con đường hội nhập và phát triển, đưa Việt Trì trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch về cội nguồn và trong tuyến du lịch của cả nước, xứng đáng là Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.