
Năm ấy ở phía đông núi bị nước sông Hoàng Hà gây tai hoạ, lại thêm mất mùa. Như thế mấy năm, dân gian chết đói rất nhiều, có người ăn thịt lẫn nhau ở vùng rộng một, hai ngàn dặm vuông. Đây là ghi chép trong cuốn “Sử Ký” của Tư Mã Thiên (Nhà xuất bản Văn học, tái bản 2021).
Xưa nay, các quốc gia thịnh vượng hay đói nghèo đều liên quan đến cơ chế, chính sách. Cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” (Nhà xuất bản Trẻ, 2017) cho rằng, các quốc gia ngày nay thất bại vì các thể chế kinh tế chiếm đoạt của họ không tạo ra động cơ cần thiết để khuyến khích dân chúng tiết kiệm, đầu tư và phát minh đổi mới.
Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, chính quyền quân sự của tướng Park Chung Hee đã khôn khéo tránh được thể chế kinh tế chiếm đoạt, khởi đầu cho quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc.
Năm 1961, với mục tiêu dành sự ủng hộ của quần chúng, các lãnh đạo chính quyền mới đã phát động điều tra vào tài sản của các doanh nghiệp tích lũy dưới thời cựu Tổng thống Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn).
Chủ tập đoàn Samsung Lee Byung-chul là một trong những người bị điều tra. Ngày 27/6/1961, ông từ Nhật Bản về Hàn Quốc để chuẩn bị chịu án phạt. Nhưng chờ đợi ông không phải là án phạt tù mà là một cuộc họp lịch sử với Park Chung Hee.
Trong cuộc họp, Lee Byung-chul nói với Park Chung Hee rằng việc khởi tố sẽ vô tình ngăn cản chính quyền mới theo đuổi tăng trưởng kinh tế, tổn thương đối với niềm tin doanh nghiệp là không thể khắc phục.
Park biết rõ hơn ai hết rằng, tinh thần khởi nghiệp, năng lực tổ chức, quản lý, vốn và công nghệ cần thiết cho quá trình hiện đại hóa đều nằm trong tay các tập đoàn tư nhân lớn (chaebol). Với quyền lực của mình, tướng Park có thể phá hủy bất cứ tập đoàn chaebol nào, nhưng ông không thể làm suy yếu cả giai cấp chaebol nếu muốn biến đổi Hàn Quốc thành một nền kinh tế công nghiệp. Nếu muốn đưa đất nước vào lộ trình phát triển, cần hợp tác với các chaebol, tận dụng được tâm huyết, tài năng của họ thay vì bỏ tù họ.
Sau các cuộc đàm phán giữa nhà nước và các chaebol với tinh thần đôi bên cùng có lợi, tháng 8/1961, chính quyền thông qua Luật đặc biệt xử lý vốn đầu tư tích lũy phi pháp. Theo đó, thay vì phải nộp phạt, chính quyền cho phép các chaebol được “đóng góp” bằng cách xây dựng những xí nghiệp mới của họ dưới sự định hướng của nhà nước.
Từ năm 1963 đến 1979 dưới thời Tổng thống Park, rất nhiều khu công nghiệp đã mọc lên khắp đất nước Hàn Quốc. Đây là thông tin trong cuốn “Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc” (Nhà xuất bản Thế giới, 2015).
Với tầm nhìn khác người về “pu-kuk kang-byeong” (nước giàu, quân mạnh), tướng Park đã dung nạp những yếu tố mà ai cũng nghĩ là đối lập nhau. Ông đã cho thấy, nhà nước không chỉ tận thu tài sản của doanh nghiệp mà phải kiến tạo cho doanh nghiệp gia tăng tài sản. Khi các chaebol chấp nhận định hướng phát triển của Park, họ được tự do kinh doanh, làm giàu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cho quốc gia.
Tăng trưởng quốc gia ở nước nghèo khác nước giàu. Trên bầu trời cao rộng, thoáng đãng, không cản trở, thế mà đàn chim nhạn vẫn không bay dàn hàng ngang, vẫn có con dẫn đầu. Những năm 60 của thế kỷ trước, các nơi chậm phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã gia nhập mạng lưới sản xuất đa quốc gia theo mô hình “đàn nhạn bay” với Nhật Bản là "con nhạn" dẫn đầu.
Trong cuốn “Mưu lược Đặng Tiểu Bình” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1996), vị kiến trúc sư của cải cách mở cửa ở Trung Quốc đại lục cũng xác định rõ không thể có chuyện tất cả mọi người cùng đồng loạt làm giàu. Cần khuyến khích một bộ phận dân chúng vươn lên, làm giàu trước để dẫn dắt thiên hạ. Các đặc khu ven biển được khuyến khích làm giàu trước các tỉnh nội địa. Đó chính là mô hình “đàn nhạn bay” giúp Trung Quốc cất cánh, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Việt Nam đang tiến hành sự nghiệp đổi mới. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ghi rõ: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh; hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước. Đó chính là con đường đúng đắn vì nước mạnh, dân giàu.
DHQ (Bài đăng trên chuyên san Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản, 10/7/2021)