Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Sáng ngày 22/8/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4” và “Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và đại biểu trong và ngoài nước gồm đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và hơn 400 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước tham dự Chương trình. Về phía tỉnh Phú Thọ có lãnh đạo Sở Ngoại vụ tham dự Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, qua 3 lần tổ chức (năm 2009, 2012, 2016), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, lấy trọng tâm là "Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024", sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng”, tập trung trí tuệ tập thể, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”. Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật. Minh chứng rõ ràng là, hàng loạt những chính sách mới trong lĩnh vực như căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương như người dân trong nước.
Tiêu biểu, trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đây là dịp để chúng ta cùng rút ra kinh nghiệm, bài học quý báu để đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài lên một tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con.
Thông tin về 4 phiên họp chuyên đề, hoạt động bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, điểm đặc biệt là, lần đầu tiên một số hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tham gia với các cơ quan trong nước trong chủ trì, điều hành một số phiên chuyên đề về lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Điều này thể hiện vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà còn là chủ thể triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ 3 thông điệp cùng 3 định hướng, 3 trọng tâm trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Trong “thông điệp” đối với bà con người Việt Nam ở nước ngoài, trước tiên, Thủ tướng Chính phủ khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thứ hai, đất nước kỳ vọng và tin tưởng vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ ba, đất nước trân quý tình cảm, thấu hiểu, chia sẻ khi nghe tâm tư nguyện vọng và đánh giá cao những ý kiến góp ý quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dành cho quê hương, dành cho đất nước dù bất cứ ở nước nào, bất cứ đâu, bất cứ cương vị nào.
Về “3 định hướng”, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, trước hết, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phải thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Thứ hai, cần phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương đất nước; đồng thời thể hiện mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả hơn, thể hiện tình cảm, sự tin tưởng và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ ba, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải mang tính đồng bộ, toàn diện, bao trùm và xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Về “3 trọng tâm”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thứ nhất, mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập tốt và phát triển mạnh trong xã hội nước sở tại; xây dựng cộng đồng lớn mạnh và gắn kết; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ hai, tiếp tục phát huy, đồng thời tìm ra động lực mới gắn kết cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với quê hương, đất nước. Thứ ba, không ngừng đổi mới phương thức hỗ trợ và vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát huy tiềm năng, thế mạnh, đóng góp cho quê hương đất nước, xây dựng bản sắc cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành tiếp thu, lắng nghe, phản hồi lại các ý kiến góp ý của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó trân quý mọi đóng góp có ý thức, trách nhiệm với đất nước, dù bằng của cải vật chất, đóng góp bằng trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến, tri thức hay các hình thức khác.
Chiều cùng ngày, Hội nghị có 04 phiên chuyên đề diễn ra song song, gồm phiên chuyên đề 1: “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”; Phiên chuyên đề 2: “ Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước”; Phiên chuyên đề 3: “Đại đoàn kết, công tác hội đoàn và kiều bào trẻ”; Phiên chuyên đề 4: “Giữ gìn văn hóa, tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”. Theo đó, tỉnh Bình Định được Ban Tổ chức đặt hàng tham luận tại Phiên chuyên đề 2 “ Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước”. Tại phiên 2, Hội nghị được nghe nhiều tham luận của các Bộ, ngành và một số kiều bào, trong đó Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm tham luận về “Phát huy đóng góp của cộng đồng người Việt tại Úc đối với công cuộc phát triển kinh tế của đất nước”, ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng) Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) tham luận về “Phát huy vai trò doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành xây dựng và phát triển đất nước”, ông Hồ Văn Lâm- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt (kiều bào Thái) tham luận về “Hiệp hội và vai trò xúc tiến thương mại hàng Việt Nam tại Thái”, ông Võ Văn Nam – Công ty TamDa Food (kiều bào Séc) tham luận về “Phát triển, phân phối hàng tiêu dùng Việt Nam thông qua các doanh nghiệp của người Việt tại Châu Âu”, ông Nguyễn Hoài Tiến Daniel - công ty rượu Sông Cái (kiều bào Mỹ), Tiến sĩ Ngô Đắc Thuần (Kiều bào Mỹ),... Bế mạc Hội nghị, Bộ Ngoại giao đã trao khen thưởng cho Kiều bào và đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương có thành tích xuất sắc.
Trong khuôn khổ chương trình, sáng ngày 23/8, kiều bào thăm và làm việc với khu công nghệ cao Hòa Lạc và những di tích lịch sử. Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp Đoàn đại biểu kiều bào tiêu biểu nhân dịp về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024./.
P. V