Hội thảo quốc tế “50 năm Thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của Ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”
Sáng 23/4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “50 năm Thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của Ngoại giao trong lịch sử và hiện tại” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Chủ tịch nước Lương Cường đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại hội thảo. Ảnh TTXVN
Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao, lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Phú Yên có lãnh đạo Sở Ngoại vụ và phòng, ban, đơn vị liên quan.

Đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Phú Thọ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, cách đây tròn 50 năm, thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “độc lập - thống nhất - hòa bình và phát triển” cho dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam cũng như nhân dân ưa chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong hành trình ấy, ngoại giao đã đóng vai trò hết sức quan trọng.
Điểm lại những thành tựu quan trọng của ngoại giao Việt Nam trong suốt những thập kỷ qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng trước những biến chuyển to lớn của thời đại, ngoại giao Việt Nam đang có những đổi mới căn bản bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh, kiến tạo hòa bình trên thế giới.
Bày tỏ vui mừng đến dự Hội thảo trong những ngày tháng Tư lịch sử của dân tộc, Chủ tịch nước Lương Cường chỉ rõ mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, nói chung đều trải qua những thời khắc mang tính bước ngoặt, ngã rẽ lịch sử quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình. Đối với Việt Nam, chiến thắng 30/4/1975 là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc. Từ đây, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối; dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch nước chỉ rõ, ngoại giao đã góp phần quan trọng trong tái thiết đất nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới, mở ra cục diện đối ngoại thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong 40 năm Đổi mới, ngoại giao đã có nhiều đóng góp thiết thực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một đất nước lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, đến nay Việt Nam nằm trong tốp 35 nền kinh tế hàng đầu về quy mô GDP, tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Từ một nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, thiết lập được mạng lưới 34 nước có quan hệ đối tác toàn diện trở lên, trong đó có đầy đủ các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ các thành viên G7, 18/20 nền kinh tế G20, tất cả các nước ASEAN.
Chủ tịch nước kỳ vọng cuộc Hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức sẽ góp phần nhìn nhận, làm rõ những nhân tố, bài học, vai trò, và những đóng góp to lớn, nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước. Đồng thời, gợi mở những hướng đi thiết thực để Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chung tay kiến tạo và gìn giữ hòa bình bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Hội thảo gồm hai phiên: Ngoại giao Việt Nam và chiến thắng lịch sử 30/4/1975; Vai trò của ngoại giao trong thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp, kiến tạo hòa bình trong tình hình hiện nay, với nhiều tham luận của các học giả, nhân chứng lịch sử Việt Nam và quốc tế. Các tham luận tại Hội thảo hướng tới làm rõ quá trình đấu tranh ngoại giao đối với tiến trình giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; từ đó khẳng định vai trò, đóng góp của ngành Ngoại giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong việc thúc đẩy đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột trong tình hình hiện nay.
T.A