NGÀY XƯA HỌC ĐỂ LÀM QUAN
Ngày xưa học để làm quan. Thời bao cấp học để làm cán bộ. Vào biên chế nhà nước là mơ ước, là tự hào. Nhưng nay thì khác...
Chuyện chưa từng có ở Việt Nam: gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang làm ở khu vực tư. Hai năm nay, mỗi ngày thành phố Hồ Chí Minh có bình quân trên 8 công chức, viên chức nghỉ việc. Có người bảo đáng quan ngại. Có người lại bảo thế mới tốt. Còn bạn nghĩ thế nào?
Trường thi ngày xưa (Ảnh minh họa)
Ngày xưa học để làm quan. Thời bao cấp học để làm cán bộ. Vào biên chế nhà nước là mơ ước, là tự hào. Nhưng nay thì khác. Học để làm việc, lập nghiệp, lập thân. Bất kể công hay tư, nếu phát huy được sức mình, có thể làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội thì đều đáng quý.
Bây giờ mới nói những điều trên, tưởng đã là lạc hậu. Nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại là Fukuzawa Yukichi đã đề cập chuyện đó từ thế kỷ 19. Xã hội phong kiến Nhật Bản khi ấy ảnh hưởng bởi Nho giáo, coi trọng con đường học hành thi cử để làm quan. Nhưng Fukuzawa đi con đường khác.
Vào năm quân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng của Việt Nam thì ở Nhật Bản, chàng trai Fukuzawa bắt đầu học tiếng Anh, mong tìm cánh cửa mới mở ra thế giới. Ông cổ vũ người Nhật mở mắt nhìn xa, giải phóng tư tưởng trong cuốn sách nổi tiếng “Thoát Á luận”.
Để thức tỉnh dân tộc theo văn minh phương Tây, ông dịch sách khoa học, viết sách khai phóng, lập tòa soạn báo, mở trường tư thục. Nước Nhật canh tân rất cần tư tưởng đổi mới của Fukuzawa. Chính phủ Minh Trị vốn rất cầu thị, nhiều lần mời ông ra làm quan chức.
Fukuzawa một lòng ủng hộ Chính phủ, nhưng ông muốn đi con đường riêng. Ông bảo mình ở khu vực tư, được tự do tư duy, tự do truyền bá tư tưởng, tự do kinh doanh sẽ tốt hơn làm ở khu vực công vốn hay bị áo xiêm ràng buộc.
Hàng nghìn học trò do Fukuzawa đào tạo trở thành những trí thức tài năng gánh vác sứ mệnh đổi mới do Chính phủ dẫn dắt. Đóng góp lớn hơn là hàng triệu người đọc sách, báo của Fukuzawa, thấm nhuần tư duy mới, trở thành nguồn lực hùng hậu cho sự nghiệp chấn hưng dân tộc, canh tân đất nước.
Trong tư tưởng của Fukuzawa, một xã hội khuyến khích tự do cá nhân, tự do lựa chọn các nẻo đường vào đời khác nhau mới thật là xã hội văn minh. Fukuzawa không làm quan chức cho Chính phủ, đó là lựa chọn cá nhân và ông không áp đặt cho người khác. Công hay tư là lựa chọn cá nhân, cần được tôn trọng.
Nông dân Tứ Xuyên, Trung Quốc có câu mèo đen hay trắng, miễn bắt được chuột đều là mèo tốt. Chúng ta cũng có thể nói rằng, công hay tư, trong nước hay nước ngoài, ở đâu phát huy được năng lực bản thân thì ở đó tốt nhất.
Trong thời đại hội nhập hiện nay, nói thế nào về chảy máu chất xám, ý nói về những học sinh du học không về nước?
Tôi nhớ mấy năm trước, Đài Truyền hình Việt Nam có một phim tài liệu rất hay tên là “Dòng chảy”. Theo phim này thì ở bất cứ đâu, trong tỉnh, trong nước hay trên thế giới, chất xám đều sẽ chảy theo quy luật “nước chảy chỗ trũng”. Thung lũng Silicon ở Mỹ là chỗ trũng nhất, đón chào tất cả các dòng chảy trí tuệ trên thế giới. Phát minh sáng chế ở chỗ trũng nhất thế giới đó là cống hiến của mỗi người tài dành cho toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Vậy nếu chất xám của Việt Nam có hội tụ về thung lũng Silicon, thì cũng tốt cho toàn nhân loại và tốt cho tất cả mọi người Việt chúng ta.
Cách đây mấy năm , tôi đi công tác Hàn Quốc, gặp một bạn trẻ vừa làm xong Tiến sĩ. Bạn ấy đang có 2 sự lựa chọn: Giáo sư hướng dẫn người Hàn Quốc khuyên bạn ấy ở lại Hàn Quốc, trường Đại học ở Việt Nam lại muốn bạn ấy về. Sau khi nghe thêm một số thông tin, tôi nêu ý kiến cá nhân rằng bạn ấy nên ở lại Hàn Quốc, sẽ có cơ hội giúp được nhiều hơn cho trường Đại học của bạn ở trong nước. Bây giờ quả thực là như vậy.
Có ý kiến cho rằng nguồn nhân lực hiện đang dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, loanh quanh vẫn là ở Việt Nam, có đi đâu mà mất. Tôi nghĩ rằng kể cả dịch chuyển ra nước ngoài cũng không mất đi đâu. Phương Tây có câu “East or west, home is best” tương tự như ta nói “Dù cho đi khắp Á- Âu, con cũng chẳng thấy nơi đâu bằng nhà”.
Người Việt chúng ta dù ở bất cứ đâu, vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Cho nên ai còn trẻ, có tài năng, có hoài bão, hãy cứ tìm cơ hội học tập, lập nghiệp, lập thân, thành đạt, thành danh ở nước ngoài. Khi có điều kiện, các bạn sẽ về quê. Không bao giờ muộn nếu ta có một tấm lòng đối với quê hương.
Ngày nay thế giới hội nhập, biên giới không ngăn được internet, và càng không ngăn được tình yêu đất nước của những người con xa quê. Công hay tư, trong nước hay nước ngoài, vì thế, chỉ là chuyện rất nhỏ.
dhq