SỔ TAY HỎI - ĐÁP PHÁP LUẬT: CẤP GIẤY XÁC NHẬN CÓ QUỐC TỊCH VIỆT NAM
* Hỏi: Vợ chồng tôi là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài từ năm 1995, các con tôi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, mang quốc tịch Việt Nam. Nay vợ và các con tôi đủ điều kiện để nhập quốc tịch nước ngoài, có nguyện vọng xin thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định của sở tại. Xin hỏi trình tự giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
* Trả lời:
- Điều 29 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam.
- Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định về miễn thủ tục về xác minh nhân thân.
- Mục 3 Chương IV Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định về thôi quốc tịch Việt Nam.
Theo đó, trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam tại Cơ quan đại diện được thực hiện như sau:
- Người Việt Nam ở nước ngoài xin thôi quốc tịch Việt Nam nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định tại Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam hoặc không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo ngay để người xin thôi quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm đăng thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên Trang thông tin điện tử của mình.
- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Luật Quốc tịch quy định hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của những người thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải qua thủ tục xác minh về nhân thân:
- Người dưới 14 tuổi;
- Người sinh ra và định cư ở nước ngoài;
- Người đã định cư ở nước ngoài từ 10 năm trở lên;
- Người đã được xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình.
- Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Công an có trách nhiệm xác minh và trả lời kết quả bằng văn bản cho Bộ Tư pháp.
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin thôi quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
- Sau khi có Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước gửi đăng Công báo, Bộ Tư pháp đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi thông báo kèm bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch cho Cơ quan đại diện. Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, Cơ quan đại diện có trách nhiệm thông báo cho người được thôi quốc tịch Việt Nam kết quả giải quyết. Cơ quan đại diện thu hồi Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của người được thôi quốc tịch, theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Trường hợp người được thôi quốc tịch Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam hoặc đã từng có thời gian cư trú tại Việt Nam thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp thông báo cho Bộ Công an để chỉ đạo cơ quan Công an có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú, thu hồi Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của người đó theo quy định của pháp luật.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi đã đăng ký hộ tịch của người đó để ghi chú hoặc hướng dẫn ghi chú vào sổ hộ tịch. Nội dung ghi chú gồm: số Quyết định; ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; nội dung Quyết định; cán bộ thực hiện ghi chú phải ký, ghi rõ họ tên và ngày tháng năm ghi chú. Trường hợp việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại Cơ quan đại diện mà sổ hộ tịch đã chuyển lưu tại Bộ Ngoại giao thì Bộ Ngoại giao thực hiện ghi chú.
Vụ Pháp chế Thanh tra
Ủy ban Nhà nước về NVNONN