Thống nhất non sông, mở ra tương lai tươi sáng
Bằng tất cả ý chí quyết tâm, bằng tất cả nỗ lực hy sinh thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam đã giành được chiến thắng cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ. Thắng lợi đó là tất yếu trong xu thế thống nhất, hòa bình chi phối dòng chảy lịch sử của dân tộc.
 |
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. (Nguồn: Getty Images) |
Hiệp định mở đường cho Đại thắng
Chỉ 27 tháng sau khi Hiệp định Paris được ký, Sài Gòn sụp đổ.
Về quân sự, sau khi lính Mỹ rút đi, nguồn viện trợ quân sự Mỹ sụt giảm, quân đội Sài Gòn, dù được “tiếp sức cấp tốc” trước Hiệp định Paris, không thể làm nổi những gì hơn nửa triệu quân Mỹ và gần 10 triệu tấn bom đạn đã không làm được trong những năm trước đó. Về chính trị, Mỹ chọn giữ lại Nguyễn Văn Thiệu như một bảo đảm cơ hội để can thiệp vào Việt Nam và Đông Dương, bảo đảm vai trò của Mỹ ở khu vực và giữ cho miền Nam Việt Nam không bị trung lập hoá rồi cuối cùng rơi vào tay cộng sản.
Việc Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975 là hệ quả trước hết do sự suy yếu mọi mặt của chính quyền Thiệu. Sự suy yếu này trở nên nghiêm trọng hơn bởi những tính toán, quyết định sai lầm về sách lược và chiến thuật quân sự của Thiệu và bộ tham mưu của ông ta. Thất bại tầm chiến dịch ở Buôn Ma Thuột biến thành thất bại chiến lược trên toàn miền Nam Việt Nam. Kế hoạch rút quân không cứu được lực lượng của Thiệu ở Tây Nguyên, không những thế, đã gây ra làn sóng hoảng loạn lan tràn. Sau đó, Việt Nam Cộng hòa nhanh chóng tan rã và sụp đổ.
“Hiệp định Paris mở đường cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, chấm dứt hơn một thế kỷ đô hộ của thực dân cũ và mới và tái lập nền độc lập, tự do và thống nhất của quê hương chúng tôi”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời phóng viên truyền hình Mỹ Walter Cronkite như vậy.
Nhưng con đường đi từ “Hiệp định hòa bình” đến hòa bình và thống nhất trên thực tế của nhân dân Việt Nam không bằng phẳng. Để đi từ “hoà bình trên đầu ngọn bút” (chữ của Larry Berman) đến hòa bình trong thực tế, quân và dân hai miền Nam, Bắc Việt Nam còn phải qua chặng đường dài chiến đấu với nhiều hy sinh.
Tháng 10/1973, Hội nghị lần thứ 21, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự kiến tình hình ở miền Nam có thể phát triển theo hai khả năng:
Một là, đấu tranh hòa bình trên mặt trận chính trị và ngoại giao để thực hiện Hiệp định Paris.
Hai là, tiến hành chiến tranh cách mạng để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn.
Bộ Chính trị xác định quyết tâm: “Ta phải hết sức tranh thủ thực hiện khả năng thứ nhất và chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thứ hai”. Thực tế lịch sử đã diễn ra theo khả năng dự kiến thứ hai.
Ngày 6/1/1975, ta giải phóng hoàn toàn thị xã và tỉnh Phước Long. Thiệu kêu gào “tái chiếm” nhưng không thể vì “lực bất tòng tâm”. Đây chính là “đòn trinh sát chiến lược” mở ra cục diện mới, là cơ sở để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976.
Sau khi phân tích tình hình chung và từng khu vực chiến trường, Bộ Chính trị nhấn mạnh “Kế hoạch hoạt động năm 1975 chỉ ra nhiệm vụ của từng chiến trường, đồng thời hướng hoạt động của tất cả các chiến trường vào cái đích chung là tiến tới trận quyết chiến chiến lược tại sào huyệt cuối cùng của địch bằng con đường nhanh nhất”.
Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với kế hoạch chiến lược 1975-1976 và nếu có thời cơ thì giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Quyết tâm đấu tranh thống nhất chưa bao giờ thay đổi từ khi đất nước bị chia cắt, đến khi đó đã được xác định bằng một mốc thời gian cụ thể.
Bắt đầu từ chiến thắng Phước Long, nghệ thuật quân sự Việt Nam được vận dụng đến đỉnh cao, chọn “điểm huyệt” chính xác ở Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên thành công trọn vẹn đã tạo đột biến và làm rung chuyển toàn bộ thế trận phòng ngự chiến lược của Sài Gòn, tạo ra thời cơ để giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay.
Ngày 30/4/1975, bằng tất cả nỗ lực và tận dụng được tình thế Mỹ đã “bó tay” không thể can thiệp, ý chí quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn chiến thắng.
 |
Hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 30/4, tại Hà Nội, tháng 3/2025. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới
Ý chí độc lập tự do, quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam có mạch nguồn mạnh mẽ từ lịch sử. Vượt qua những thử thách khốc liệt của chiến tranh, chiến thắng cuối cùng ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn đã là dấu mốc kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh hào hùng của ý chí độc lập, tự do, của tinh thần “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng đã kết thúc trong xu thế tất yếu của lịch sử - xu thế thống nhất, hòa bình.
Mốc 30/4/1975 đánh dấu thắng lợi của ý chí dân tộc thống nhất không thể chia cắt. Đó là dấu khép lại của một thời khói lửa chiến tranh và cũng là dấu son mở ra một thời đại mới của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi mang tầm vóc thời đại của kỷ nguyên độc lập, tự do do Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên phong mở ra từ năm 1945 và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của kỷ nguyên đổi mới và phát triển do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi đầu từ năm 1986 đã tạo ra tiền đề vững chắc cho đất nước. Cho tới nay, thuận lợi cùng những thách thức vẫn đan xen, nhưng một kỷ nguyên mới của dân tộc tiếp tục mở ra - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển với tốc độ cao. Việt Nam cũng đã và đang hội nhập sâu, rộng trong nền kinh tế, chính trị thế giới. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước không ngừng củng cố, phát triển. Vị thế quốc gia trong vai trò là nhân tố tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới ngày càng được đánh giá cao.
Với mục tiêu, đích đến “bất biến” là độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân trong một thế giới toàn cầu hóa, cả dân tộc đồng lòng, chung sức, nắm bắt thời cơ, tận dụng thuận lợi, vượt lên thách thức để đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, đạt mục những tiêu chiến lược khi tới mốc 100 năm thành lập Đảng, tạo tiền đề vững chắc để vươn lên đạt các thành tựu lịch sử ghi dấu một thế kỷ thành lập nước Việt Nam.
Kỷ nguyên vươn mình hội tụ thực lực nội sinh của dân tộc kết hợp với ngoại lực do thời cơ mang lại với ý chí mạnh mẽ, với tinh thần nỗ lực, với tâm thế tự tin thực hiện khát vọng “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc) như tâm nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo: TG&VN