Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015” do HĐND huyện Yên Lập phê duyệt tại Nghị quyết số 13, Trung tâm dạy nghề huyện đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Học viên lớp quản lý dịch hại tổng hợp kiểm tra kết quả thực tế trên cây chè.
Ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/HĐND kỳ họp thứ 2 khóa 18 (nhiệm kỳ 2011-2015) của HĐND huyện phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 được thông qua, UBND huyện đã tổ chức triển khai đến tất cả các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể nhân dân để tổ chức thực hiện. Nhằm cụ thể hoá các mục tiêu của Nghị quyết, huyện đã tiến hành xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên từng lĩnh vực, hàng năm và cả giai đoạn. Trong thời gian ngắn, 100% các chi đảng bộ, chính quyền xã, thị trấn, cơ quan đơn vị đã triển khai, học tập, quán triệt và xây dựng Nghị quyết, chương trình kế hoạch để tổ chức thực hiện. Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 13 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa xã hội.
Là một huyện miền núi có 13 dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống, những năm qua, huyện Yên Lập luôn chú trọng, quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ người DTTS.
Ông Vũ Đình Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Yên Lập có khoảng 1.500 cán bộ DTTS, chiếm trên 70% cán bộ toàn huyện. Vì vậy, huyện luôn chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ DTTS. Hàng năm huyện cử hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Trong đó, công tác đào tạo cán bộ nguồn là người DTTS được huyện đặc biệt quan tâm. Đến nay, chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, huyện đã mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và bồi dưỡng lý luận chính trị nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ, đã có gần 6.000 lượt cán bộ, đảng viên tham gia học tập. Ngoài ra, còn liên kết đào tạo với các trường trong và ngoài tỉnh về lĩnh vực quản lý kinh tế, kinh tế nông nghiệp cho hàng trăm cán bộ, đảng viên… Đến nay, 99,1% cán bộ, công chức, viên chức khối đảng, đoàn thể đạt chuẩn trình độ chuyên môn, 80,1% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, 100% cán bộ quản lý được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước; 100% cán bộ biết sử dụng thành thạo máy vi tính…
Nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phát huy kiến thức được học vào thực tế công tác; việc điều động, luân chuyển cán bộ được huyện thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Trong 3 năm, Yên Lập đã điều động, luân chuyển 219 cán bộ, công chức, viên chức. Để khắc phục tồn tại, hạn chế của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, huyện đã chủ động luân chuyển cán bộ cấp huyện về giữ vị trí chủ chốt. Tại đây, vai trò của các cá nhân trong chỉ đạo điều hành được phát huy, góp phần củng cố được cơ sở.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm gắn với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương được các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thu hút người lao động tham gia học nghề để tự tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong 3 năm, hơn 2.000 lao động nông thôn của huyện được đào tạo nghề, đạt 100% so với kế hoạch tỉnh giao hàng năm, đạt 72% so với mục tiêu cả giai đoạn. Chất lượng đào tạo đảm bảo, tỷ lệ lao động sau khi học nghề tự tạo việc làm và thu nhập ổn định đạt 80%.
Hoạt động xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân được huyện triển khai tích cực. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện có trung tâm học tập cộng đồng, thường xuyên mở các lớp phổ biến, tư vấn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn người dân. Đây là cơ hội cho người dân được học tập, xây dựng địa phương trở thành xã hội học tập đảm bảo đúng lộ trình mục tiêu nghị quyết; góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo được duy trì và phát triển theo hướng toàn diện và vững chắc với mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Huyện tăng cường mở rộng liên kết đào tạo, mở các lớp trung cấp, đại học sư phạm đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề cho học sinh bổ túc THPT, đảm bảo khi ra trường học sinh đều được cấp bằng trung cấp nghề. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được quan tâm bố trí cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học… Mạng lưới y tế từ huyện tới cơ sở được củng cố, hoàn thiện theo hướng chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu CSSK nhân dân từ huyện tới cơ sở. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở được quan tâm; đã đạt 5 bác sĩ/1 vạn dân, đạt mục tiêu Nghị quyết...
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người dân trên địa bàn huyện Yên Lập về công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao. Công tác quản lý nguồn nhân lực, quản lý lao động có nhiều đổi mới, cơ cấu nhân lực qua đào tạo được bố trí hợp lý; một bộ phận cán bộ, người lao động đã tiếp cận được với công nghệ hiện đại ở nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao chỉ số (HDI) chỉ số phát triển con người ngày càng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nguồn: PhuthoPortal