Dự kiến, sự kiện sẽ có sự tham dự của Tổng thống Myanmar, Thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Việt Nam và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Thái Lan.
Nhằm mục đích cung cấp đầy đủ thông tin và giải đáp các câu hỏi của giới truyền thông, sáng 19/10, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị cấp cao ACMECS 7, CLMV8 và WEF – Mekong đã chủ trì buổi Họp báo Quốc tế giới thiệu về các hội nghị quan trọng này.
Theo Thứ trưởng Đặng Đình Quý, đây là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2016.
Các hội nghị thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam cũng như trách nhiệm to lớn trong hợp tác Tiểu vùng Mekong nói chung, hợp tác ACMECS và CLMV nói riêng, bởi trong khuôn khổ hội nhập tiểu vùng, đây là khu vực có liên quan trực tiếp và sát sườn nhất tới Việt Nam. Trong cả quá trình hợp tác lâu dài, Việt Nam luôn thể hiện nỗ lực đóng góp trong tất cả các lĩnh vực đầu tư, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực… và đã có nhiều sáng kiến để đưa khuôn khổ hợp tác này ngày càng phát triển.
Tiểu vùng Mekong hiện được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng về con người, giá trị dự trữ văn hóa truyền thống, sinh quyển, tài nguyên thiên nhiên và du lịch... Vấn đề quan trọng và lớn nhất đang nổi lên chính là khoảng cách phát triển giữa hai khu vực Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Bài toán phát triển khu vực được đặt ra là tăng cường kết nối, thu hẹp được khoảng cách phát triển trong nội khối và giữa các nước trong khu vực, nhằm phát triển bền vững và duy trì tiềm năng lâu dài. Đây cũng chính là lý do tại khu vực này hiện đang dày đặc các cơ chế hợp tác đều vì một mục tiêu chung mà hợp tác CLMV và ACMECS là hai trong số đó.
Khu vực Tiểu vùng Mekong hiện được đánh giá còn nhiều tiềm năng lớn cần được đánh thức. Trên thực tế, những năm qua, GDP của các nước ở khu vực này đều đứng trong TOP đầu và đang có xu hướng đầu tư lớn vào khu vực này, trong đó hợp tác du lịch là một trong những điểm sáng. Một mảng quan trọng khác trong tất cả các Hội nghị ACMECS, CLMV đều nói đến là kết nối cơ sở hạ tầng. Kết nối hạ tầng đường bộ được kỳ vọng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Hành lang giao thông sẽ chính là nền tảng tốt để mở ra các cơ hội hợp tác khác như hành lang kinh tế, du lịch, kết nối phát triển nguồn nhân lực…
Thứ trưởng Đặng Đình Quý nhấn mạnh, điểm đặc biệt trong chuỗi các sự kiện quốc tế lần này là sáng kiến của Việt Nam về Hội nghị Diễn đàn WEF – Mekong lần đầu tiên được tổ chức với mục tiêu thiết thực là đưa các doanh nghiệp thành viên của WEF vào chứng kiến các tiềm năng của khu vực, kết nối doanh nghiệp với các nhà lãnh đạo, với tiểu vùng, tăng cường kết nối đầu tư, kinh doanh. Hội nghị Diễn đàn WEF – Mekong là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh đến bạn bè quốc tế, thúc đẩy các tập đoàn lớn đầu tư kinh doanh vào Việt Nam.
Nhấn mạnh về ý nghĩa của các Hội nghị lần này, Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho rằng, khác với các hội nghị đa phương khác, đây là cuộc gặp giữa những người anh em, bạn bè truyền thống, "hàng xóm sát nhà", là cơ chế rất quan trọng để tăng cường lòng tin.
"Hợp tác để cùng nhau giải quyết, tháo gỡ các vấn đề cụ thể từ hợp tác phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, môi trường, khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong, đến tội phạm xuyên quốc gia… Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thách thức như hiện nay, các Hội nghị này càng khẳng định ý nghĩa to lớn vì mục tiêu chung", Thứ trưởng nói.
Nguồn: TG&VN