Dự hội nghị có Tổng Lãnh sự Myanmar tại Kolkata, Chủ tịch Phòng thương mại Bharat, và khoảng 70 công ty Ấn Độ, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn ở Kolkata và bang Tây Bengal như Tập đoàn Nipha, Tập đoàn Atha, Tập đoàn Emami, Công ty hạ tầng điện lực Schneider và Công ty hóa dầu Haldia.
Phát biểu tại hội nghị, Công sứ Trần Quang Tuyến đánh giá cao sáng kiến xây dựng và nỗ lực triển khai gói hỗ trợ đầu tư của Chính phủ Ấn Độ vào khu vực CLMV nói chung và Việt Nam nói riêng, nhất là trong lĩnh vực dệt may.
Về cơ hội đầu tư, Công sứ Trần Quang Tuyến nêu bật những thuận lợi cơ bản và lâu dài tại thị trường Việt Nam như ổn định chính trị và xã hội, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn, chi phí và trình độ lao động có tính cạnh tranh, có thị trường xuất khẩu gồm nhiều nền kinh tế phát triển với tiêu chuẩn cao, ngày càng tiến sâu và rộng vào hội nhập toàn cầu…
Trình bày kết quả khảo sát thị trường các nước trong khu vực CLMV, Tổng Giám đốc Eximbank, ông Mukul Sarkar đánh giá Việt Nam có tiềm năng phát triển, điều kiện hạ tầng cơ sở như điện, giao thông và lực lượng lao động thuận lợi cho đầu tư.
Ông Sarkar cũng đề cập những lợi thế tiếp cận thị trường nhờ các hiệp định tự do mà Việt Nam tham gia, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, sẽ mang lại trong vài năm tới, đồng thời nhấn mạnh các doanh nghiệp Ấn Độ nên có kế hoạch đầu tư đón đầu để tranh thủ các cơ hội nói trên.
(TTXVN)